|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thu phí tự động khó vì đâu?

13:21 | 08/09/2019
Chia sẻ
Sau hơn ba năm triển khai (từ 2015), tới nay mới chỉ có hơn 800.000 xe dán thẻ E-tag trên tổng số 3,5 triệu ô tô cả nước, thấp hơn nhiều so với kì vọng ban đầu.
photo-1

Ngày 31.12, tất cả các trạm BOT, cao tốc trên toàn quốc phải hoàn thành triển khai hệ thống thu phí không dừng Ảnh: Ngọc Thắng

Việc này dẫn tới tình trạng có làn thu phí tự động (ETC) nhưng dân vẫn trả tiền mặt.  

Thói quen tiền mặt Thường xuyên chạy xe đưa đón người nhà từ Sơn Tây (Hà Nội) lên sân bay Nội Bài, đi qua các trạm thu phí tại đoạn Vĩnh Yên trên QL2, nhưng khi được hỏi có dán thẻ E-tag không, anh N.V.T tỏ ra khá bỡ ngỡ: "E-tag là cái gì? Gắn để làm gì?".

Theo anh T., trong lần kiểm định xe vào hồi đầu năm, anh cũng được Trung tâm kiểm định mời gắn thẻ thu phí không dừng nhưng vì yêu cầu phải nộp tiền trước vào tài khoản để trừ dần tiền nên anh T. không lắp.

 "Không phải tháng nào mình cũng đi, trong khi lại phải nộp trước tiền vào đó rất bất tiện. Hơn nữa đoạn QL2 không kẹt xe, các tuyến khác thì vẫn có thể trả tiền mặt, cũng không bất tiện gì nên tôi không lắp", anh T. cho hay.

 Tương tự, anh B.T.Tùng, thường xuyên chở hàng chạy đường dài từ Hà Nội đi Nam Định, Ninh Bình cũng không muốn lắp thẻ E-tag với lý do: Dọc tuyến đường anh đi không phải trạm BOT nào cũng có trạm thu không dừng. Tại một số trạm chỉ có 1 làn thì chủ yếu chỉ có xe con 4 chỗ, 7 chỗ đi vào, đưa xe chở hàng qua làn đó bất tiện.

"Mỗi tháng nhà tôi chạy hàng hết khoảng 1 - 2 triệu tiền vé/tháng. Chúng tôi chạy cứ trả tiền mặt rồi lấy cuống vé về thanh toán với công ty, kê cùng luôn cả tiền ăn tiền nước. Giờ dán cái thu phí không dừng, phải làm thủ tục trừ tài khoản công ty rồi hóa đơn chứng từ lằng nhằng. 

Có thể một phần nữa là do thói quen nên anh em tài xế chủ yếu vẫn trả tiền mặt", anh Tùng nói.

Tại khu vực phía nam, nhiều người dân phản ánh dù đã dán thẻ E-tag nhưng do hệ thống đọc thẻ tại các trạm không đồng bộ, dẫn đến nhiều trường hợp đưa xe vào làn thu phí tự động nhưng lại bị yêu cầu quay lại xếp hàng trả tiền mặt. 

Do đó, số lượng phương tiện sử dụng hình thức thanh toán này còn rất hạn chế.

Chỉ 10% xe dùng thẻ E-tag qua trạm

Bên cạnh việc không để độc quyền công nghệ, độc quyền đơn vị lắp đặt, vấn đề Bộ GTVT cần lưu ý hiện nay là có một số phương tiện chưa chuyển hóa kịp hoặc không có nhu cầu dán E-tag vì ít chạy đường dài, lâu lâu đột xuất đi một lần thì vẫn nên chấp nhận thu tiền mặt. Tuy nhiên, cần yêu cầu chủ đầu tư BOT lắp đặt cả hệ thống tự động tại làn thu tiền mặt để đảm bảo mục tiêu công bằng, không có gian dối trong thu phí. Đồng thời, cho phép định mức số tiền trong tài khoản không cần quá nhiều, tùy theo nhu cầu sử dụng của chủ phương tiện.

TS Phạm Văn Hùng (Phó phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía nam)

 Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng (Sở GTVT TP.HCM), cho biết TP.HCM hiện có 3 trạm thu phí đang hoạt động là trạm An Sương - An Lạc, trạm cầu Phú Mỹ và trạm trên đường Nguyễn Văn Linh. Sắp tới dự kiến sẽ có thêm Trạm thu phí xa lộ Hà Nội và Trạm BOT Phú Hữu.

Tính đến tháng 9, có 2 trạm đã hoàn thành lắp đặt, triển khai thu phí tự động không dừng trên tất cả các làn là trạm An Sương - An Lạc và trạm Phú Mỹ. 

Theo Sở GTVT TP.HCM, việc dán thẻ E-tag tại các trạm đăng kiểm đa số đều được chủ phương tiện chấp thuận nhưng tỷ suất sử dụng tương đối thấp. Cụ thể trạm QL1 An Sương - An Lạc chỉ đạt khoảng 3% trên tổng phương tiện, trạm Phú Mỹ đạt số lượng cao hơn, cũng chỉ khoảng 14%.

Ông Đinh Việt Hưng, Phó giám đốc Công ty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang, cho biết dự án đã lắp được 6/13 cửa thu phí tự động (ETC), số cửa còn lại theo yêu cầu tới 31.12 năm nay Công ty TNHH thu phí tự động VETC sẽ phải lắp đặt xong.

Đáng chú ý, theo ông Hưng, qua theo dõi sau 2 năm lắp (cuối năm 2017 dự án lắp 2 cửa ETC đầu tiên và 4 cửa tiếp theo vào tháng 4.2018), dù là một trong những tuyến cửa ngõ vào Hà Nội, bình quân số lượt xe dán thẻ E-tag qua trạm này chỉ đạt khoảng 10% lưu lượng xe và khoảng 7 - 8% doanh thu toàn trạm.

"Kết quả 7 ngày giám sát tại trạm trong tháng 7, doanh thu qua 6 làn ETC chỉ đạt 385 triệu đồng trong tổng doanh thu 6,2 tỉ đồng toàn trạm", ông Hưng cho biết. 

Tự động nhưng vẫn phải chờ

Bên cạnh đó, một số xe đã dán thẻ E-tag nhưng không duy trì tài khoản tối thiểu, nên khi đi qua trạm cũng không trừ phí được mà vẫn phải dùng tiền mặt. Các xe kinh doanh chở hàng, xe khách đều mua vé tháng, vé quý nên cũng không dán thẻ E-tag.

Đại diện BOT Hà Nội - Bắc Giang cũng cho biết theo lộ trình tất cả các làn thu phí đều sẽ lắp đặt ETC, chỉ để lại 2 làn ngoài cùng là làn hỗn hợp. Tuy nhiên, với tỷ lệ xe dán thẻ E-tag còn ít như hiện nay, nếu số lượng lưu thông tập trung qua cả làn hỗn hợp sẽ gây ùn tắc.

"Tỷ lệ xe sử dụng E-tag đi qua trạm khoảng 40 - 50% thì mới hiệu quả, nếu không doanh thu rất ít thì vận hành ETC sẽ không hiệu quả. Hiện nay chi phí tổ chức theo hợp đồng BOT do doanh nghiệp (DN) tự tổ chức thu phí thủ công (MTC) là 3% doanh thu, ETC là 3,5%, chi phí tổ chức thu của cả dự án hiện là 6,5%, do chưa chuyển giao được hết sang làn tự động nên chúng tôi vẫn phải chi phí cho thu phí thủ công một dừng", ông Hưng cho biết.

Tự động nhưng vẫn phải chờ Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng ETC tại dự án, có tình trạng việc truyền dữ liệu bị chậm trễ. Thông thường số liệu in khoảng 30 giây sẽ có kết quả, nhưng có khi sau 3 ngày mới có kết quả. 

Nguyên nhân được xác định do sự lệch pha trong kết nối dữ liệu giữa hệ thống ETC sang hệ thống MTC của DN, nên có thời điểm 100 xe đi qua nhưng phần mềm chỉ ghi nhận và truyền dữ liệu hơn 90 xe.

"Cần có cơ chế hậu kiểm để đảm bảo độ chính xác, tránh tình trạng hệ thống tự động đếm sót xe, ảnh hưởng đến doanh thu nhà đầu tư dự án", ông Hưng kiến nghị.

Về phía DN thực hiện dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1, cho biết trong số 44 trạm thuộc giai đoạn 1, chỉ còn 1 trạm chưa triển khai lắp đặt là BOT Việt Trì.

Việc dữ liệu truyền bị lệch pha tại Trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang do 2 hệ thống khác nhau, không đồng bộ giữa một dừng và tự động. Tuy nhiên, ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC, khẳng định, phần thu phí tự động vẫn đảm bảo đầy đủ, chỉ việc truyền dữ liệu khác nhau và đang được khắc phục. 

Đại diện VETC cũng cho biết hiện hệ thống ETC triển khai đồng nhất trên cả nước theo công nghệ RFID, một thẻ E-tag có thể đi tất cả các trạm, vì các trạm tự lắp đặt triển khai cũng phải kết nối vào hệ thống chung ETC.

Lý giải việc lượng xe dán thẻ E-tag chưa nhiều, theo ông Vinh, do các trạm BOT vẫn đang vận hành chung làn hỗn hợp ETC và thu phí một dừng, chưa tách làn riêng nên khách hàng dán thẻ E-tag vẫn phải xếp hàng chờ xe chưa dán thẻ trả tiền mặt nếu đi cùng làn.

 "Nếu người dân thấy thuận lợi trong đi lại thì mới chủ động dán thẻ, như hiện nay thì các khách hàng mới dán thẻ rất bức xúc vì phải chờ đợi", ông Vinh nói.

Mai Hà