Thu hút FDI thế hệ mới - Bài cuối: Sẵn sàng đón dòng đầu tư tỷ USD
Định hướng thu hút FDI của Việt Nam hiện nay là thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa; trong đó, ưu tiên các dự án như công nghệ cao, các dự án điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo....
Dòng vốn đầu tư chất lượng đổ vào Việt Nam thời gian tới kỳ vọng sẽ rất lớn, đặc biệt là dòng vốn vào ngành công nghiệp bán dẫn. Để đón đầu cơ hội này, các ngành chức năng, địa phương và doanh nghiệp đang từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung:
Việt Nam đang tập trung vào yếu tố sẵn sàng trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Cụ thể, về thể chế, Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đặc biệt, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn công nghệ; trong đó có ngành bán dẫn điện tử, chíp.... Các dự án đầu tư vào ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng các ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đang đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không, hạ tầng liên quan đến phục vụ sản xuất trong các ngành.
Gần đây, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới phát triển năng lượng bền vững.
Cùng đó, Việt Nam đang tập trung phát triển các khu công nghệ cao, đặc biệt là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để tạo môi trường, thể chế vượt trội, tạo điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.
Về nguồn nhân lực, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Bên cạnh đó, Việt Nam có các cơ quan có năng lực đào tạo, nghiên cứu, các trường đại học uy tín… như Viettel, VNPT, FPT, CMC….
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, bảo đảm cung cấp 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn đến năm 2030.
Với vị trí địa lý thuận lợi cho các nhà đầu nước ngoài, Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, chíp. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, đầu tư kinh doanh trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn:
Hiện nay, tại các khu công nghiệp của Bắc Giang có 3 doanh nghiệp sản xuất trong công nghiệp bán dẫn; trong đó có 2 doanh nghiệp của Hàn Quốc và 1 doanh nghiệp của Pháp. Đối với doanh nghiệp sản xuất chip bán dẫn của Hàn Quốc đóng trên địa bàn tỉnh, tỉ lệ lao động phổ thông thấp hơn, khoảng 50-60%, còn lại 15% có trình độ đại học, 25% có trình độ cao đẳng.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất ngày càng mở rộng của các doanh nghiệp trên địa bàn và để chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư mới trong ngành công nghiệp bán dẫn, Bắc Giang đã chỉ đạo trường Cao đẳng Việt Hà triển khai dự án do Hàn Quốc tài trợ qua ODA, phối hợp chặt chẽ với công ty sản xuất chip bán dẫn của Hàn Quốc hoạt động trên địa bàn tỉnh để đào tạo nhân lực, phục vụ cho ngành bán dẫn.
Bắc Giang cũng đã có 2 đoàn công tác đi Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), gặp gỡ các nhóm; đồng thời có những trao đổi, ký kết hỗ trợ Bắc Giang trong đào tạo ngành bán dẫn.
Đồng thời, tỉnh cũng đã phê duyệt đề án triển khai đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số của Bắc Giang. Tỉnh miễn phí 100% cho tất cả cán bộ viên chức học thạc sĩ về công nghệ thông tin. Ngoài ra, tổ chức hội thảo về thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn tỉnh.
Hiện Bắc Giang đang tập trung xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn cho tỉnh giai đoạn 2024-2030; trong đó, xác định tập trung cao nhân lực đáp ứng phân đoạn kiểm thử và đóng gói. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục hợp tác với các trường đại học, các doanh nghiệp bán dẫn tại Bắc Giang để đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME):
Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với 5 khó khăn và theo đó, 52% doanh nghiệp cho biết đang bị thiếu đơn hàng, 32% doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, 25% phản ánh tình trạng thủ tục hành chính còn rườm rà…
Ngoài ra, có 41% doanh nghiệp chia sẻ là đang bị thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, theo tôi việc cần làm lúc này là tập trung khơi thông các điểm thiếu sót nêu trên, như đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu để khơi thông các đơn hàng.
Cụ thể, doanh nghiệp đề xuất, khơi thông các nguồn vốn bằng cách giải quyết các vấn đề về trái phiếu, vốn ngân hàng, các nguồn vốn từ các quỹ.
Cùng với đó, rà soát, tháo gỡ các thủ tục hành chính còn rườm rà, có các biện pháp củng cố hơn nữa niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư tư nhân cũng như khơi thông nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo đó, có chính sách liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp đào tạo theo chuyên đề, nhu cầu thị trường để doanh nghiệp có nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng với tiêu chuẩn các tập đoàn nước ngoài.