Thu hút FDI năm 2017: Tiếp tục khởi sắc
Dự báo thu hút FDI năm 2017 sẽ tiếp tục khởi sắc. Ảnh: TQ |
Thu hút FDI (vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần) trong năm 2016 đạt 24.372,7 triệu USD, tăng 7,1% so với năm 2015. Cùng với dự báo kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục phục hồi và phát triển đang là triển vọng tốt cho việc thu hút nguồn vốn FDI của chúng ta.
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 được dự báo sẽ phục hồi tốt hơn năm 2016 nhờ sự cải thiện của một số nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, các nền kinh tế đang nổi và các nước có nhập khẩu dầu (do giá dầu hồi phục).
Ông Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc NCIF dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 sẽ khởi sắc hơn. Theo ông Đặng Đức Anh, các dư địa từ tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện trong năm 2016 sẽ phát huy hiệu quả nhiều hơn trong năm 2017.
NCIF đã đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định ở mức 6,44%, lạm phát khoảng 5%, trên cơ sở hiệu quả đầu tư trong nước tiếp tục được cải thiện; vốn đầu tư khu vực nhà nước tiếp tục duy trì, tăng 7%...
Còn kịch bản thứ hai là tăng trưởng kinh tế dự báo ở mức 6,72%, lạm phát ở mức 6%, nhờ tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng kinh tế thông qua hội nhập, cơ cấu và quy mô nền kinh tế có cải thiện tích cực hơn.
Về thu hút FDI, trên cơ sở thu hút FDI năm 2016, nhiều chuyên gia kinh tế, định chế tài chính nhận định, Việt Nam tiếp tục trở thành địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư trên thế giới. Chung quan điểm này, trong một nghiên cứu mới đây, NCIF nhìn nhận, thu hút FDI của Việt Nam tiếp tục khả quan nhờ hưởng lợi khi có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực về triển vọng cũng như cơ hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các hiệp định thương mại đàm phán thành công sẽ đem lại cơ hội thu hút FDI vào Việt Nam, không chỉ là đầu tư mới, mà cả mở rộng các dự án đầu tư sẵn có.
Hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại về việc Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể bị trì hoãn phê chuẩn sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, giả sử không có TPP thì theo ông nguồn vốn FDI vào Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Bởi lẽ, với những điều kiện hiện nay về ổn định chính trị, ổn định kinh tế, so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có ưu thế rõ rệt và nổi lên như điểm sáng về thu hút FDI.
GS.TSKH Nguyễn Mại dự báo, với những tín hiệu tích cực của năm 2016, dự báo năm 2017, việc thu hút FDI vẫn tăng trưởng tốt, với số vốn đăng ký và vốn thực hiện sẽ tăng khoảng 10 - 12% so với năm 2016.
GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, không nên thu hút quá nhiều vốn FDI mà các cơ quan chức năng nên tính toán ở mức độ vừa phải. Theo GS Mại, nguồn vốn FDI đăng ký chỉ nên chiếm khoảng 22 - 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội là vừa. Mức độ tăng trưởng vốn FDI đăng ký và vốn thực hiện chỉ nên duy trì ở ngưỡng khoảng 10 - 12%/năm.
Giới phân tích cho rằng Việt Nam đang có thời cơ thuận lợi để trở thành điểm đến đầu tư mang tính chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, khu vực châu Á vẫn sẽ là nguồn vốn chính dù nguồn vốn từ Mỹ và khu vực châu Âu có gia tăng. Các chuyên gia kinh tế nhận định, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục là hai nước có vốn cam kết FDI vào Việt Nam nhiều hơn trong 2 - 3 năm tới.
Theo dự báo của Công ty Quản lý đầu tư và Tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL), trong năm 2017, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục dõi theo khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam có thể tăng 12% so với năm 2016.
Với những phân tích của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và các tổ chức kinh tế nêu trên, hy vọng rằng thu hút FDI năm 2017 sẽ tiếp tục tăng trưởng.