|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thu được 389.000 tỷ đồng từ kê biên tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn

12:08 | 21/11/2023
Chia sẻ
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tạm dừng giao dịch nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn... đã thu được số tiền hơn 389.219 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 82,4%).

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết tình hình tội phạm năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2022, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.

Điển hình như một số đối tượng thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật, công ty mua bán nợ để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật hay một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn đã được phát hiện và khởi tố tại các tỉnh, thành phố trên cả nước... 

Trong bối cảnh đó, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 98.466 vụ án hình sự, tăng 20,4% so với năm 2022.

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tạm dừng giao dịch nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn... đã thu được số tiền hơn 389.219 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 82,4%).

Nguyên nhân là do tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trên không gian mạng, tội phạm phi truyền thống; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại kể cả có yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp, đa dạng. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, còn một số bất cập.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Cụ thể hơn về công tác kiểm sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2023, nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2022 như: Các cuộc kiểm sát trực tiếp tăng 13%, yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố tăng 41,1%.

Việc xét phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn được thực hiện cơ bản chặt chẽ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số trường hợp phải đình chỉ điều tra đối với bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can phạm tội, liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát…

Công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đạt kết quả cao hơn so với năm 2022. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đều tăng so với năm trước và vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao. Tuy nhiên, số lượng tố giác, tin báo thụ lý trong kỳ phải tạm đình chỉ giải quyết còn khá lớn (56 tố giác, tin báo, chiếm 25,9% tổng số tin đã thụ lý)…

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm Chính phủ đang tiếp tục rà soát, khắc phục sơ hở, thiếu sót để phòng ngừa tội phạm, chủ động nhận diện, phát hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%. 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thời gian tới Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương: Quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự. 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Kịp thời tham mưu với Đảng, Quốc hội các chủ trương, giải pháp bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường đấu tranh các loại tội phạm; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; công tác bắt, giam, giữ và điều tra, xử lý tội phạm. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi trạng thái các mặt công tác phòng, chống tội phạm...

Hạ An