|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thông tư 18 sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất sinh lời của VPBank

09:01 | 09/12/2019
Chia sẻ
Theo VCSC, tác động của Thông tư 18 sẽ ảnh hưởng tới dư nợ cho vay và lợi suất hoạt động của FE Credit, dẫn tới NIM hợp nhất của VPBank giảm về mức 8,5% từ năm 2021 và về 7,4% vào năm 2024.

CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa công bố báo cáo cập nhật về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB). Trong đó, VCSC đánh giá Thông tư 18 sẽ có ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc VPBank.

Theo VCSC, Thông tư 18 cho thấy FE Credit sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong 5 năm tới. Cụ thể, thông tư này được ban hành nhằm giảm rủi ro dư nợ cho vay tài chính tiêu dùng. Trong khi đó, dư nợ cho vay của FE Credit đã đạt mức cơ sở cao là 2,6 tỉ USD, tương ứng khoảng 50% lượng tín dụng lưu hành trong mảng tài chính tiêu dùng.

Dựa trên dư nợ liên quan đến các khoản cho vay bằng tiền mặt đạt 75% tại FE Credit (trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019), VCSC cho rằng tăng trưởng cho vay và các mảng khác sẽ giảm tốc (cụ thể, lợi suất của hoạt động cho vay giảm) trong những năm sắp tới.

Trên cơ sở đó, tổ chức tư vấn này dự báo đóng góp của FE Credit cho dư nợ cho vay hợp nhất của VPBank sẽ giảm từ 24% trong năm 2018 còn 18% trước thời điểm cuối năm 2024 và lợi suất cho vay sẽ giảm do tỉ trọng cho vay bằng tiền mặt phải điều chỉnh theo Thông tư 18.

Sự sụt giảm này sẽ dẫn tới việc tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) hợp nhất của VPBank bị ảnh hưởng tiêu cực từ năm 2021 (còn 8,5%) và đến 2024 (còn 7,4%).

Trước đó, đánh giá về tác động của Thông tư 18, JP Morgan ước tính cho vay tiền mặt trong cơ cấu dư nợ FE Credit sẽ giảm 25% mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2021 xuống còn 28% tổng dư nợ cho vay. Dẫn đến sự sụt giảm hiệu suất sinh lời của tài sản 110 điểm cơ bản/năm, NIM hàng năm giảm trên 80 điểm cơ bản và ROE giảm xuống 15-16% từ mức 20%.

Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã ban hành Thông tư 18/2019 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016 qui định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Trong thông tư mới NHNN đã đưa ra lộ trình chi tiết đưa tỉ lệ dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng về mức 30%.

Theo đó, tỉ lệ này tối đa ở mức 70% trong năm 2021. Năm 2022, tỉ lệ tối đa là 60% và năm 2023 là 50%. Tỉ lệ này sẽ giảm về mức 30% kể từ ngày 1/1/2024.

Như vậy, các công ty tài chính còn hơn 4 năm để đưa tỉ lệ giải ngân trực tiếp trong tổng dư nợ về mức 30%.

Quốc Thụy

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.