Tập đoàn Lã Vọng muốn đổi 20,9 km đường lấy hơn 400 ha đất Hà Nội
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa kết luận thanh tra toàn diện các dự án của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng (gọi tắt là Tập đoàn Lã Vọng) cùng các đơn vị thành viên trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, thông qua công ty con là Louis Group, Lã Vọng muốn đầu tư dự án mở rộng, cải tạo 20,9 km Quốc lộ 6, đổi lại là quyền phát triển hàng chục khu đất với tổng diện tích hơn 400 ha tại Hà Nội.
Quốc lộ 6 đoạn Ba La đi Xuân Mai. (Ảnh: Báo đấu thầu)
Cụ thể, dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 (đoạn Ba La – Xuân Mai) được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho Tổng công ty Sông Đà nghiên cứu lập, hoàn chỉnh Đề xuất dự án.
Dự án này có 2 phần: phần 1 dài 2,7 m qua thj trấn Chúc Sơn được giao cho UBND huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư; Phần 2 được giao cho Tổng công ty Sông Đà nghiên cứu lập, thực hiện dự án theo hình thức BT.
Tuy nhiên, Tổng công ty Sông Đà không triển khai trình UBND TP Hà Nội đề xuất dự án.
Đến tháng 2/2017, Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) được UBND TP Hà Nội cho phép hợp tác liên doanh với Công ty cổ phần Sông Đà – Hà Nội, Công ty cổ phần thương mại Ngôi nhà mới và Công ty cổ phần đầu tư phát triển và dịch vụ Đại An thực hiện dự án đầu tư.
Các bên liên doanh tiến hành thành lập pháp nhân mới lấy tên Công ty cổ phần Louis Group để thực hiện dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6.
Trong đó, theo tìm hiểu, Louis Group thành lập ngày 9/3/2017, do ông Lê Văn Vọng là người đại diện pháp luật. Địa chỉ trụ sở chính tại sàn 5B, tầng 5, tòa nhà 25T2, Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Công ty này có vốn điều lệ 675 tỉ đồng, gồm 4 cổ đông sáng lập: Sông Đà Hà Nội (5%); UDIC (20%); Công ty Ngôi nhà mới (45%) và Công ty Đại An (30%).
Công ty Ngôi nhà mới là thành viên của Tập đoàn Lã Vọng, còn Công ty Đại An được thành lập ngày 27/6/2014 và có mối quan hệ mật thiết với Tập đoàn Lã Vọng.
Sau khi ra đời, Công ty Louis đã được chỉ định là nhà đầu tư thực hiện dự án BT có chiều dài 20,9km, tổng vốn đầu tư khoảng 8.700 tỉ đồng, đổi lại Hà Nội dự kiến thanh toán cho Công ty Louis 39 ô đất, diện tích khoảng 343 ha khi làm dự án BT này.
39 ô đất đối ứng trùng khớp với đề xuất của Louis Group
Theo kết luận thanh tra, ngày 9/6/2017, Sở KH&ĐT có Báo cáo kết quả thẩm định số 844 với nội dung: Qui mô đầu tư cải tạo, nâng cấp 20,9km quốc lộ 6 từ Ba La – Xuân Mai tổng vốn đầu tư hơn 8.800 tỉ đồng, phương thức thanh toán vốn đầu tư với 43 ô đất diện tích khoảng 454,67 ha theo nhà đầu tư đề xuất, kiến nghị UBND TP Hà Nội phê duyệt đề xuất dự án theo hình thức BT.
Sau đó, ngày 21/6/2017, Sở KH&ĐT tiếp tục có báo cáo thẩm định số 878 với nội dung: Quĩ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư là 41 ô đất, tổng diện tích 441,26 ha theo đề xuất của nhà đầu tư, đề xuất áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư.
Dự án được UBND TP Hà Nội chấp thuận theo Quyết định số 3835 ngày 24/6/2017. Cùng ngày, UBND TP Hà Nội có văn bản số 177 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai theo hình thức BT.
Theo đó, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục áp dụng hình thức chỉ định Louis Group đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của Văn phòng Chính phủ về cho ý kiến việc lựa chọn nhà đầu tư tại Báo cáo số 177 của UBND TP Hà Nội, Bộ Tài chính cho rằng UBND TP Hà Nội chưa nêu rõ hình thức lựa chọn nhà đầu tư, xem xét trường hợp đặc biệt qui định tại Điều 22, Luật Đấu thầu để quyết định theo qui định của pháp luật.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho rằng, dự án trên đã được điều chỉnh qui mô nên không thuộc trường hợp áp dụng Khoản 6 Điều 72 Nghị định 15 ngày 14/12/2015 của Chính phủ qui định đối với dự án chuyển tiếp để tiếp tục thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1286 yêu cầu UBND TP Hà Nội tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, chịu trách nhiệm toàn diện trong việc thực hiện dự án.
Mặc dù vậy, ngày 15/9/2017, UBND TP Hà Nội vẫn ra văn bản số 4533 chỉ đạo các sở, ngành, nhà đầu tư thực hiện việc tham mưu, đề xuất thủ tục, các bước theo qui định để lựa chọn Công ty Louis Group đàm phán trực tiếp theo hợp đồng BT. Rà soát quĩ đất đối ứng thanh toán cho dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 6.
Theo kết luận số 2008 ngày 7/11/2019 của Thanh tra Chính phủ, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở KH&ĐT đã không tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành để tham mưu cho UBND TP Hà Nội việc lựa chọn hình thức đầu tư theo qui định.
"Việc Sở KH&ĐT căn cứ vào danh mục các ô đất theo đề xuất của nhà đầu tư để trình quĩ đất giao đối ứng thanh toán BT, đề xuất giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm qui định tại Khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013", Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Ngoài ra, theo kết luận thanh tra, trong số 39 ô đất thanh toán cho Công ty Louis có 14 ô không chồng lấn với các dự án khác, diện tích khoảng 209 ha; 6 ô đất diện tích khoảng 34 ha đã được TP Hà Nội chỉ đạo làm đất tái định cư; 10 ô diện tích khoảng 70 ha được dự kiến đấu giá quyền sử dụng; 9 ô diện tích khoảng 30 ha đã được TP Hà Nội giới thiệu địa điểm cho các nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án; 1 ô đã giao cho nhà đầu tư làm dự án chưa thu hồi.
"Mặc dù Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo về việc tuân thủ qui hoạch chi tiết xây dựng, đảm bảo đồng bộ, không trùng lấn với các dự án đã giao chủ đầu tư khác, nhưng Sở Kế hoạch Đầu tư vẫn trình để giao cho nhà đầu tư 39 ô đất làm đối ứng thanh toán BT. Việc tham mưu không đúng qui định pháp luật của Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước", kết luận thanh tra nêu.