Thống đốc Lê Minh Hưng: Vốn ngắn hạn chiếm xấp xỉ 80% vốn huy động toàn nền kinh tế
Dự trữ tăng cao kỉ lục, gấp 2,5 lần so với năm 2015
Tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày 23/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã chia sẻ một số thông tin về điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng và cho vay lĩnh vực doanh nghiệp thời gian qua.
NHNN đã điều hành, yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vào việc tiết giảm các chi phí trong hoạt động của mình cũng như đẩy mạnh xử lí nợ xấu, qua đó giảm bớt các chi phí tài chính, ổn định mặt bằng lãi suất huy động, để qua đó giảm được lãi suất cho vay.
Chính vì vậy, kể cả trong điều hành, ở những thời điểm đầu năm và tháng 8 và tháng 9/2019, NHNN đã giảm lãi suất để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Đặc biệt, trong thời điểm cuối năm, mùa kinh doanh của các doanh nghiệp thì lãi suất cho vay của các ngân hàng có bước giảm rõ rệt.
“Hiện nay, trần lãi suất cho vay ưu tiên trong 5 lĩnh vực chỉ còn 6%/năm. Chúng tôi cho rằng đây là điểm thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN cũng như của các TCTD”, Thống đốc nói.
Vấn đề thứ ba là về tỷ giá và thị trường ngoại tệ, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, năm 2019, NHNN đã rất linh hoạt, chủ động, theo sát và dự báo được những diễn biến phức tạp từ thị trường tiền tệ quốc tế và khu vực để có biện pháp, giải pháp chủ động trong kịch bản điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ.
“Có thể nói trong thời gian vừa qua dự trữ ngoại hối của chúng ta đã tăng mức kỉ lục, và so với đầu nhiệm kì này, dự trữ ngoại tệ đã tăng trên 2,5 lần so với cuối năm 2015, đây là một tấm đệm rất lớn cho quốc gia để dự phòng những tác động những yếu tố bất lợi từ bên ngoài tác động vào nền kinh tế của chúng ta”, Thống đốc chia sẻ.
Vốn ngắn hạn xấp xỉ 80% vốn huy động toàn nền kinh tế
Cũng tại Hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng đã chia sẻ về chính sách điều hành tín dụng. Theo đó, trong thời gian vừa qua NHNN đã chỉ đạo mở rộng tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.
Để gia tăng dòng vốn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, NHNN cũng đã tập trung rà soát hoàn thiện các khung khổ pháp lí tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế được vay vốn theo năng lực tài chính và kinh doanh, mở rộng và đa dạng hóa các kênh tiếp cận tín dung.
Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD tập trung vốn và lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và xây dựng và triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi, khuyến khích trong một số lĩnh vực ưu tiên như cho vay theo chuỗi giá trị bền vững trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, chính sách thúc đẩy đầu tư vào năng lượng bền vững, cho vay tín dụng xanh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
“Hiện nay, thực tế vốn trung dài hạn của nền kinh tế vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, trong khi nguồn vốn huy động của các TCTD chủ yếu là ngắn hạn, xấp xỉ 80% vốn huy động của nền kinh tế nhưng các TCTD bên cạnh việc quản trị rủi ro vẫn tiếp tục cung ứng xấp xỉ 50% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế đầu tư cho trung dài hạn”, Thống đốc chia sẻ.
Nói thêm về lĩnh vực tín dụng, Thống đốc NHNN cho biết, đến nay qui mô tín dụng đã đặt trên 8 triệu tỉ đồng từ hệ thống ngân hàng, trong đó dư nợ đối với khối doanh nghiệp là trên 4 triệu tỉ đồng, chiếm trên 53%; trong đó doanh nghiệp Nhà nước chỉ khoảng xấp xỉ 5% trong tổng dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp.
Trong khi khối doanh nghiệp tư nhân chiếm 43% tổng dư nợ tín dụng, còn lại là hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng 45,7% tổng dư nợ tín dụng.
“Có thể nói là nguồn lợi tín dụng rất lớn đã tập trung vào cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân và cá nhân”, Thống đốc khẳng định.
Về định hướng điều hành thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá ổn định, linh hoạt phù hợp với các cân đối vĩ mô và diễn biến thị trường.