|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thời hạn Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam

16:00 | 01/06/2024
Chia sẻ
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Malaysia Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Mã vụ việc: A-552-841 (chống bán phá giá) và C-552-842 (chống trợ cấp).

Theo Cục Phòng vệ thương mại, sản phẩm bị điều tra là một số sản phẩm pin năng lượng mặt trời thuộc mã HS 8501.61.0000, 8507.20.80, 8541.42.0010, và 8541.43.0010. Nguyên đơn từ Liên minh Ủy ban thương mại sản xuất pin năng lượng mặt trời Hoa Kỳ. Doanh nghiệp xuất khẩu bị cáo buộc bán phá giá và được trợ cấp bởi nguyên đơn cáo buộc khoảng 50 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bán phá giá và được trợ cấp. Ngày khởi xướng điều tra là 14/5/2024 và thời kỳ điều tra chống bán phá giá từ 1/10/2023-31/3/2024; chống trợ cấp từ 1/1-31/12/2023.

Cũng theo Cục Phòng vệ thương mại, biên độ chống bán phá giá bị cáo buộc với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam là 271,28% (cao nhất trong 4 nước bị cáo buộc: Campuchia: 125,37%; Malaysia: 81,22%; Thái Lan: 70,36%). Do Hoa Kỳ vẫn coi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam (trong vụ việc này, Nguyên đơn đề xuất quốc gia thay thế là Indonesia).

Đáng lưu ý, DOC cho rằng Đơn yêu cầu của nguyên đơn đã đủ căn cứ để khởi xướng điều tra với 31 chương trình trợ cấp đã được cáo buộc. Cụ thể gồm các nhóm các chương trình cho vay; nhóm các chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; nhóm các chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu; chương trình tài trợ; nhóm các chương trình ưu đãi tiền thuê đất; cung cấp tiện ích với mức giá ưu đãi; chương trình hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Trung Quốc trong Sáng kiến Một vành đai - Một con đường và Nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc với giá thấp hơn giá trị thông thường.

Các mốc thời gian chính (có thể được gia hạn) đối với vụ việc chống bán phá giá gồm DOC khởi xướng điều tra vào ngày 14/5/2024; ban hành kết luận sơ bộ ngày 1/10/2024; DOC ban hành kết luận cuối cùng ngày 16/12/2024 và ban hành biện pháp áp dụng ngày 6/12/2025. Đối với vụ việc chống trợ cấp, DOC khởi xướng điều tra ngày 14/5/2024, ban hành kết luận sơ bộ ngày 18/7/2024; DOC ban hành kết luận cuối cùng ngày 1/10/2024 và ban hành biện pháp áp dụng ngày 22/11/2024.

Liên quan đến việc cập nhật một số thời hạn điều tra, Cục Phòng vệ thương mại cho hay: DOC đã ban hành 2 Bản câu hỏi về lượng và giá trị trong vụ việc chống bán phá giá (thời hạn trả lời được gia hạn đến trước 17 giờ Hoa Kỳ ngày 6 tháng 6 năm 2024) và vụ việc chống trợ cấp (thời hạn trả lời đến trước 17 giờ Hoa Kỳ ngày 4 tháng 6 năm 2024). Trên cơ sở thông tin trả lời kết hợp với số liệu của Hải quan Hoa Kỳ, DOC sẽ lựa chọn bị đơn bắt buộc của cho mỗi vụ việc (thông thường từ 2-3 doanh nghiệp). Các bị đơn này sẽ tiếp tục tham gia trả lời các bản câu hỏi tiếp theo trong vụ việc và tham gia toàn bộ quá trình vụ việc và được hưởng mức thuế riêng.

Cùng đó, doanh nghiệp không được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc trong vụ việc chống bán phá giá phải trả lời Bản câu hỏi về lượng và giá trị trong vụ việc chống bán phá giá (theo hạn nêu trên) và nộp Đơn xin hưởng thuế chống bán phá giá riêng rẽ (trong 30 ngày kể từ ngày khởi xướng vụ việc) để được hưởng mức thuế riêng. Trong trường hợp không được chấp chận hưởng thuế chống bán phá giá riêng rẽ, các công ty này sẽ chịu mức thuế toàn quốc do DOC xác định.

Đối với phạm vi sản phẩm điều tra, DOC sẽ xem xét ý kiến của các bên trước khi ban hành kết luận sơ bộ. Để DOC có cơ sở xây dựng bản câu hỏi điều tra, DOC đã gia hạn thời gian cho các bên nộp bình luận về phạm vi sản phẩm trước 17 giờ Hoa Kỳ ngày 10 tháng 6 năm 2024 và bình luận phản biện về phạm vi sản phẩm trước 17 giờ Hoa Kỳ ngày 20 tháng 6 năm 2024. Các bên có thời hạn để bình luận về nước và giá trị thay thế trước khi DOC ban hành kết luận sơ bộ 30 ngày. Trường hợp cần gia hạn đối với các thời hạn trên, các công ty cần chủ động nộp đơn xin gia hạn và phải được DOC chấp thuận. Tất cả các tài liệu cần phải nộp trên Cổng thông tin điện tử về phòng vệ thương mại của DOC - ACCESS.

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình, Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu liên quan cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của vụ việc; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra chống bán phá giá và chống trợ câos của Hoa Kỳ; đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên hợp tác đầy đủ với Cơ quan điều tra Hoa Kỳ trong suốt quá trình diễn ra vụ việc. Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Hoa Kỳ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cao nhất cho doanh nghiệp.

Trước mắt, cần lưu ý các mốc thời gian tại mục 2. Mặt khác, chủ động đăng ký tài khoản ACESS (https://access.trade.gov/login.aspx) nhằm cập nhật thông tin và nộp các văn bản, tài liệu liên quan tới Cơ quan điều tra Hoa Kỳ; thường xuyên phối hợp, cập nhật thông tin cho Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Uyên Hương

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.