Thời điểm thanh lọc thị trường tiền điện tử đã đến?
Với những đặc điểm tương tự như vàng, bitcoin từng được coi là một “hàng rào” bảo vệ chống lại lạm phát, nhưng tính biến động “chóng mặt” của loại tiền ảo này dường như đã phá vỡ hàng rào đó.
Nếu như việc giá rớt tự do của bitcoin trong thời gian gần đây làm nản lòng nhiều nhà đầu tư, thì giới chuyên gia lại cho đây là thời điểm thanh lọc thị trường tiền điện tử.
Thời kỳ đỉnh cao
Ra đời vào năm 2009, không lâu sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bitcoin là đồng tiền ảo đầu tiên. Cho đến nay vẫn không ai biết rõ thông tin về người sáng lập bitcoin, ngoài bí danh Satoshi Nakamoto. Bitcoin hoạt động dựa trên công nghệ blockchain - “công nghệ chuỗi” cho phép lưu trữ, đơn giản hóa, truyền tải dữ liệu và bảo mật thông tin các giao dịch.
Bitcoin có thể được sử dụng để mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến - giống như tiền điện tử - và có thể được đổi sang các loại tiền khác. Tuy nhiên, khác với các loại tiền tệ truyền thống, bitcoin không bị kiểm soát bởi một tổ chức cá nhân hay cơ quan ngân hàng nào, mà hoạt động theo cách phi tập trung thông qua các khối (block) được mã hóa và kết nối lại với nhau từ hàng triệu máy tính trên toàn thế giới.
Nói cách khác, các giao dịch bitcoin được thực hiện trực tiếp giữa người mua và người bán qua thiết bị có kết nối Internet mà không cần thông qua cơ quan trung gian.
Do tính chất phi tập trung và lợi nhuận khổng lồ mà bitcoin tạo ra, đồng tiền ảo này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của công luận, các nhà đầu tư cũng như học giả. Nhiều tập đoàn lớn như Microsoft, Dell, hay Tesla đã chấp nhận giao dịch bằng bitcoin.
Một số sàn chứng khoán lớn trên thế giới như Nasdaq, Chicago Mercantile hay sàn chứng khoán Tokyo đã đưa bitcoin lên sàn với mã chứng khoán là BTX. Năm 2021, El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận bitcoin như một loại tiền hợp pháp, mở đường để bitcoin đứng ngang hàng với các loại tiền pháp định.
Giá của bitcoin trải qua nhiều biến động kể từ lần đầu tiên được sử dụng vào năm 2009, khi giá 1 bitcoin trao đổi với USD bằng 0. Tuy nhiên đến tháng 5/2017, 1 bitcoin đã vượt ngưỡng 2.000 USD. Đây cũng là năm đầu tiên mà “cơn sốt” bitcoin bùng phát, khiến giá bitcoin tăng vọt, lên đến 19.345 USD vào cuối năm 2017, khởi đầu của “cơn bão” đầu cơ.
Tháng 1/2018, giá 1 bitcoin đã vượt ngưỡng 20.000 USD.
Công cụ cho những nhà đầu cơ
Năm 2021 có lẽ là năm tỷ giá bitcoin so với USD biến động mạnh nhất, và điều đáng chú ý là tỷ giá này không chịu ảnh hưởng bởi chính sách của một ngân hàng, hay của một nhà nước nào mà chỉ vì một bài đăng trên Twitter của tỷ phú giàu nhất thế giới là Elon Musk.
Giá của bitcoin đã tăng phi mã khi ông Elon Musk thông báo cho phép thanh toán xe điện Tesla bằng bitcoin. Tập đoàn này cũng đã mua vào lượng bitcoin trị giá 1,5 tỷ USD, đẩy giá đồng tiền điện tử này chạm ngưỡng 60.000 USD vào tháng 3/2021. Thế nhưng chỉ hai tháng sau, cũng trên Twitter, ông Musk chỉ trích bitcoin vì cách khai thác quá ô nhiễm. Bitcoin ngay lập tức lao dốc, xuống còn 28.900 USD/bitcoin. Đây có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất về tính biến động của loại tiền ảo này.
Kể từ đầu năm 2022, thị trường bitcoin liên tục “rơi tự do” và xuống đến mức chỉ còn 17.500 USD/bitcoin vào tháng Sáu. Đến đầu tháng Bảy, tỷ giá bitcoin có tăng nhẹ trở lại nhưng không đáng kể, không vượt quá 25.000 USD/bitcoin. Trả lời RFI Tiếng Việt, chuyên gia về tiền ảo, ông Vladimir Denis, nhà sáng lập cơ quan tư vấn Crypto Intelligence Agency, cho rằng việc bitcoin sụt giá không phải là điều đáng lo ngại, mà thậm chí còn là một điều khả quan.
Trên thực tế, thị trường bitcoin và tiền ảo dường như đang dần ổn định. Ông Denis giải thích thêm: “Việc bitcoin sụt giá là rất bình thường. Đối với thị trường truyền thống, giảm 50-60% quả là con số lớn. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng bitcoin là loại tiền mà chỉ trong vòng 8 tháng, giá có thể tăng từ 3.000 USD lên đến 60.000 USD. Do vậy, tính theo tỷ lệ tăng giảm của bitcoin thì điều này là bình thường. Việc thị trường sụt giá như hiện nay là vì có quá nhiều dự án đầu tư, quá nhiều tiền ảo được tạo ra, quá nhiều stablecoin (tiền điện tử dựa theo giá trị của một đồng tiền pháp định hoặc một loại tài sản nào đó), khiến giá của loại tiền này dao động mạnh.
Chúng ta không cần đến 10.000 loại tiền ảo khác nhau, mà theo tôi chỉ cần 3 đến 5 loại là đủ rồi. Nhưng đáng tiếc là ai cũng muốn tạo ra tiền ảo riêng. Do vậy tôi cho rằng, thị trường cần được thanh lọc và đó là điều tốt nếu loại bỏ đi những đồng tiền ảo và các dự án không bền vững”.
Từ khi bitcoin được sử dụng vào năm 2009, cho đến nay, đã có hơn 20.000 loại tiền ảo khác cũng được tạo ra, theo số liệu của trang Coinmarketcap. Tuy nhiên, không phải loại tiền ảo nào cũng hoạt động hay có giá trị. Những loại tiền ảo này, không giống như bitcoin, đều cho biết rõ người tạo ra. Hiện nay, hai loại tiền ảo được cho là ổn định và có giá trị lớn nhất là bitcoin và ethereum.
Tiền ảo bị hệ thống tài chính thu nạp
Theo CNBC, tình trạng thị trường tiền ảo sụt giá như hiện nay và không có nhiều biến động lớn, hay còn được gọi là hiện tượng “bitcoin ngủ đông”, có thể kéo dài, giống như năm 2018-2020.
Sự sụt giảm này được cho là vì các yếu tố kinh tế vĩ mô. Lạm phát gia tăng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nhiều ngân hàng khác tăng lãi suất. Ngoài ra, sự sụt giá hoàn toàn của stablecoin như Terra cũng kéo bitcoin xuống dốc theo. Loại tiền này vốn được cho là ổn định nhất, vì giữ tỷ giá 1-1 với USD.
Các giao dịch của bitcoin và thị trường tiền điện tử cũng bắt đầu có tương quan chặt chẽ với thị trường chứng khoán. Sàn chứng khoán Nasdaq, chuyên về công nghệ, đã giảm 22% trong quý II/2022, cùng lúc đó, giá bitcoin cũng giảm mạnh.
Những sự kiện này chưa từng xảy ra trước đó đã khiến nhiều người trong ngành mất cảnh giác. Điều này hoàn toàn trái ngược với mục tiêu chính trị mà bitcoin và các loại tiền ảo được tạo ra, đó là hoạt động độc lập bên ngoài hệ thống tài chính cổ điển.
Trên đài phát thanh Pháp France Info, Giám đốc một doanh nghiệp quản lý tiền ảo ông Mathieu Jamar tiếc nuối cho biết: “Trước kia, tiền ảo không có nhiều mối tương quan như vậy, đó là điều tuyệt vời và rất quan trọng. Và thật không dễ dàng đối với chúng tôi khi thấy tình hình như hiện nay: Thị trường tiền mã hóa trở nên trơ ì (inerte).
Chúng tôi đặt câu hỏi vì sao ban đầu, tiền mã hóa (tiền điện tử) được quan tâm nhiều đến thế. Bởi vì lúc đó, tiền ảo ở vị trí đứng đầu, không phải là thứ gì đó phổ biến, và không bị đánh đồng với các loại tiền khác như hiện nay”.
Bitcoin từng được so sánh với các loại hàng hóa như dầu thô và vàng vì có cùng đặc điểm chung như nguồn cung cố định và có thể cạn kiệt. Thuật toán tạo ra bitcoin chỉ cho phép đào dưới 21 triệu đơn vị.
Dự kiến đến năm 2024, chỉ còn 1 triệu bitcoin để khai thác (đào). Trang Future Science cho biết, khi càng tiến đến gần ngưỡng 21 triệu, giá bitcoin sẽ ngày càng ổn định hơn, nhưng thời hạn này có khả năng là đến năm 2140.
Thế nhưng, trong một nghiên cứu, các nhà phân tích dữ liệu đánh giá những lần biến động giá của bitcoin và so sách với vàng hay các loại tiền pháp định khác. Kết quả cho thấy bitcoin không có những phản ứng với khủng hoảng hay lạm phát như vàng.
Bitcoin không có thuộc tính nào chứng minh là nơi “trú ẩn” an toàn và có khả năng chống lại lạm phát: Giá trị nội tại (valeur intriseque) bằng 0, không có thu nhập bảo đảm và không ổn định, theo Le Monde.
“Bitcoin vẫn chưa trưởng thành”
Thay vào đó, bitcoin giống như “một kho lưu trữ non trẻ và giống như một loại vàng chưa tinh luyện”, như nhận định của chuyên gia Cory Klippsten thuộc công ty Swan Bitcoin. Trang The Conversation cho rằng cuộc khủng hoảng đầu tiên mà bitcoin phải trải qua từ khi ra đời cho thấy tính biến động của bitcoin phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc chung của các nhà đầu tư, trong một thị trường tài chính đầy rẫy các bong bóng đầu cơ.
Vậy nếu muốn làm giảm nguy cơ rủi ro và loại bỏ các bong bóng này, các nhà đầu tư cần phải “trưởng thành” để bình ổn thị trường, nhất là khi những người “chơi bitcoin” chủ yếu là những cá nhân đơn lẻ.
Nếu như trong “cơn sốt” vàng ở California, Mỹ năm 1949, những người kiếm lợi nhiều nhất là những người buôn cuốc xẻng và ngân hàng Wells Fargo, nơi tích trữ vàng cho những người thăm dò, thì đối với tiền ảo, được ví như “vàng” kỹ thuật số, các nền tảng giao dịch lại không phải đối tượng được hưởng lợi nhất.
Trong cơn khủng hoảng sụt giá bitcoin, nền tảng giao dịch tiền ảo Celsius, quản lý 11 tỷ USD, đã thông báo tạm ngưng tất các các giao dịch và rút tiền của khách hàng vào tháng 7/2022. Nếu như tính rủi ro khiến bitcoin và tiền ảo trở nên hấp dẫn, thì những sự kiện gần đây chỉ ra rằng hệ thống này dường như không đáng tin cậy.
Theo France Info, những doanh nghiệp đào bitcoin nhờ hàng triệu máy tính đang gặp khó khăn, không chỉ vì giá bitcoin và nguồn thu của họ đang sụt giảm mà còn bởi giá năng lượng tăng cao. Hơn nữa, Mỹ và Trung Quốc, hai nước có các cơ sở khai thác bitcoin lớn nhất thế giới, đã cấm hoạt động “đào mỏ” vì yếu tố môi trường.