Thời cơ mới để Việt Nam tiếp cận sâu và bền vững thị trường Nhật Bản
Trước thềm chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương đã thông tin về những nét nổi bật, dự báo tình hình và cho biết giải pháp của Bộ nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam và Nhật Bản.
Ông đánh giá như thế nào về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua? Những nét nổi bật nhất là gì, thưa ông?
Ông Đỗ Quốc Hưng: Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch Thương mại giữa hai nước hiện đạt khoảng hơn 40 tỷ USD. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của nước ta và Nhật Bản tương đối cân bằng. Tốc độ tăng trưởng thương mại giữa hai bên cũng đều đặn trong giai đoạn vừa qua.
10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 34,3 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020. Về xuất khẩu, kim ngạch của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 16,3 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 18,1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là đối tác đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhất với Việt Nam như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA năm 2009); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP năm 2008); Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP năm 2019), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP năm 2020).
Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ chế hợp tác chính thức để giải quyết các nội dung kinh tế, thương mại gồm: Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác thương mại, Công nghiệp và Năng lượng giữa Việt Nam và Nhật Bản, Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.
Điều đặc biệt là cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản các loại thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại...
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, kim loại…
Dựa trên nền tảng là kết quả hợp tác thương mại tốt đẹp, hiệu quả như ông vừa cho biết, ông dự báo và kỳ vọng ra sao kim ngạch thương mại thời gian tới giữa hai nước?
Ông Đỗ Quốc Hưng: Việt Nam - Nhật Bản còn rất nhiều tiềm năng để phát triển quan hệ thương mại. Cùng tham gia nhiều FTA và các cơ chế hợp tác sẵn có như tôi vừa chia sẻ chính là cơ sở quan trọng để thúc đẩy hợp tác bền vững, mở ra nhiều thời cơ mới và đầy hứa hẹn trong việc phát triển thương mại song phương giữa hai nước.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và căng thẳng vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng dịch ở cả Việt Nam và Nhật Bản, kim ngạch thương mại hai bên vẫn tăng trưởng 6,4% trong 10 tháng đầu năm 2021.
Hiện nay, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Nhật Bản cũng vừa nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa trở lại từ ngày 08/11/2021 và công bố gói kích thích kinh tế cao kỷ lục, lên tới 490 tỷ USD.
Theo tôi dự báo, nhu cầu của thị trường Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cao, tạo điều kiện cho xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Tới đây, Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường, đặc biệt là để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội tốt hơn nữa tại một trong những thị trường “khó tính” nhất thế giới như Nhật Bản?
Ông Đỗ Quốc Hưng: Để thâm nhập sâu rộng và bền vững vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua rào cản tiêu chuẩn nhập khẩu rất cao của thị trường cũng như tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và thâm nhập kênh phân phối của Nhật Bản.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại dưới hình thức mới, đi sâu vào từng địa phương của Nhật Bản.
Nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ cùng với Thống đốc tỉnh Wakayama ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại giữa Bộ Công Thương và Chính quyền nhân dân tỉnh Wakayama.
Một trong các nội dung quan trọng của Bản ghi nhớ này là Wakayama sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tại Wakayama và vùng Kansai.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các chuỗi sự kiện tư vấn tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, trong đó có thị trường Nhật Bản. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện mà Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa phát động vào ngày 18/11.