|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thiếu sản phẩm du lịch có 'chất xám' cao

22:21 | 22/12/2017
Chia sẻ
Ngành du lịch Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm qua nhưng chỉ tăng so với chính mình, còn so với các nước thì vẫn còn rất lạc lậu, thiếu những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, chưa kể độ mở trong việc miễn thị thực (visa) chưa thực sự thông thoáng.
thieu san pham du lich co chat xam cao

Khách du lịch đang chờ làm thủ tục xuất cảnh tại Sân bay Quốc tế Cam Ranh - Ảnh: Đào Loan.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành du lịch" diễn ra ngày hôm nay 22-12 tại Hà Nội

Sản phẩm nghèo nàn

Theo Tổng cục Du lịch, tổng doanh thu từ du lịch năm ngoái đạt hơn 400.000 tỉ đồng, dự kiến năm nay đạt doanh thu 500.000 tỉ đồng. Năm 2016 Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế, sang năm 2017 dự kiến đạt 13 triệu lượt khách.

Đây là tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng so với các nước trong khu vực, du lịch Việt Nam vẫn còn rất lạc hậu. Theo ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietstar Airlines, chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 136 nước du lịch trên thế giới được xếp hạng cạnh tranh, Việt Nam xếp thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch, thứ 30 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, thứ 37 về nguồn nhân lực du lịch. Đó là những thứ hạng khá cao.

Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, về tổng thể tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn yếu, được WEF xếp thứ 67 trên 136 nền du lịch được xếp hạng. Với 10 triệu lượt du khách quốc tế đạt được trong năm ngoái, Việt Nam vẫn đang thua kém các điểm đến du lịch quốc tế trong khu vực khá xa như Thái Lan (32,6 triệu lượt), Malaysia (26,8 triệu lượt), Singapore (16,4 triệu lượt)...

Theo ông Nam, vấn đề hiện nay đối với ngành du lịch là thiếu những sản phẩm mang hàm lượng “chất xám" cao để giữ chân du khách. Ví dụ, một công viên chủ đề thành công có thể giúp “giữ chân” du khách quốc tế được 0,5 đến 1 ngày, tăng chi tiêu của du khách tại địa phương thêm trên dưới 10%, chưa kể tiền khách sạn tăng thêm nhờ thời gian lưu trú lâu hơn.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho hay, sản phẩm trong chuỗi giá trị du lịch của Việt Nam còn chưa đa dạng, sản phẩm trùng lắp giữa các địa phương, chưa tạo ra nhiều sự khác biệt, thiếu những sản phẩm du lịch mang lại doanh thu cao như các trung tâm mua sắm, trung tâm giải trí, vui chơi để khai thác chi tiêu của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. "Có một vấn đề đáng quan tâm đó là trong những năm qua mặc dù lượng khách quốc tế vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm nhưng mức chi tiêu trung bình của du khách lại có xu hướng giảm", ông nói.

Kết quả điều tra của Tổng cục Du lịch năm 2014 (lần gần đây nhất) cho thấy tổng chi tiêu trung bình cho một chuyến đi của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 1.114,4 đô la Mỹ, thấp hơn so với 10 năm trước đó, tức năm 2004 (1.283,3 đô la/người/chuyến). Cũng trong năm 2014, chi tiêu trung bình của khách quốc tế đến Việt Nam là 125 đô la Mỹ/ngày, thấp hơn so với chi tiêu của khách đến một số nước trong khu vực. Chẳng hạn tại Thái Lan, mức chi trung bình của du khách quốc tế là 150 đô la/ngày, Singapore là 153 đô la/ngày.

Điểm nghẽn visa

Theo ông Kỳ, chính sách ưu tiên phát triển du lịch cũng là một trong những điểm nghẽn quan trọng trong chuỗi giá trị du lịch, đặc biệt là những hạn chế chính sách về visa và các thủ tục xuất nhập cảnh làm giảm giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị du lịch. Số lượng các quốc gia được miễn thị thực vào Việt Nam và số ngày miễn thị thực cho du khách quốc tế ở Việt Nam ngắn hơn so với các nước trong khu vực sẽ làm giảm sức hấp dẫn của ngành du lịch Việt Nam, làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành và giảm giá trị gia tăng từ ngành du lịch mang lại.

Đóng góp về giải pháp phát triển ngành du lịch, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, độ mở của ngành du lịch của việt Nam đã rất lớn, nên chăng Việt Nam nên mở thêm cả việc miễn visa cho nhiều nước để kích thích du lịch. "Chúng ta đừng quan niệm rằng cấp visa là phải có qua có lại, họ miễn cho mình thì mình mới miễn cho họ. Nước nào muốn phát triển du lịch thì phải miễn visa", ông Cung nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nam cho hay: “Muốn có nhiều khách đến thăm nhà thì nhà mình phải dễ đến; muốn có nhiều khách hàng đến chỗ mình mua hàng, tiêu tiền thì chỗ mình phải dễ đến”.

Với quan điểm đó, Việt Nam hiện đang miễn visa du lịch cho công dân 23 nước, ít hơn nhiều so với Thái Lan (miễn cho 61 nước), Malaysia (miễn cho 155 nước), Singapore (miễn cho 157 nước). Các hình thức Visa Online, Visa On Arrival của Việt Nam so với các điểm đến cạnh tranh trong khu vực cũng hạn chế hơn.

Đối với du khách quốc tế từ các nước phát triển, vấn đề visa không phải ở mức phí visa (quá nhỏ trong tổng chi phí chuyến đi), mà là ở sự nhiêu khê, cảm giác khó chịu nếu phải xin visa (trong khi họ được miễn visa vào nhiều nước khác). Visa du lịch không phải là chính sách “có đi có lại”.

Do đó, cải thiện chính sách visa du lịch, bao gồm mở rộng diện miễn visa du lịch, visa qua mạng (Visa Online), đơn giản hóa thủ tục xin và duyệt cấp visa tại cửa khẩu (Visa On Arrival) là một trong những điều kiện tiên quyết để thành công. Nếu chưa thể thoáng được như Malaysia, Singapore, thì ít nhất cũng cần được như Thái Lan.

Thùy Dung

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.