|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thiếu nhân công có thể làm lung lay vị thế cường quốc sản xuất của Trung Quốc

23:23 | 07/05/2024
Chia sẻ
Lực lượng lao động di cư già hóa của Trung Quốc đang gây ra tình trạng thiếu hụt công nhân nhà máy, có thể làm lung lay vị thế cường quốc sản xuất của đất nước này khi chi phí lao động tăng cao đang bào mòn lợi thế về giá thành.

Công nhân tại một nhà máy ở Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Lực lượng lao động di cư già hóa của Trung Quốc đang gây ra tình trạng thiếu hụt công nhân nhà máy, có thể làm lung lay vị thế cường quốc sản xuất của đất nước này khi chi phí lao động tăng cao đang bào mòn lợi thế về giá thành.

Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tổng số lao động di cư - những người rời các vùng nông thôn để đến làm việc tại các trung tâm đô thị - đã đạt mức cao kỷ lục 297 triệu người vào năm 2023.

Trong số đó, 31% trên 50 tuổi, gấp ba lần mức hạng mục thống kê này được bắt đầu vào năm 2008. Độ tuổi trung bình là 43, tăng 9 tuổi so với năm 2008.

Khi Trung Quốc thực hiện chính sách cải cách và mở cửa vào năm 1978, lao động di cư trở thành nguồn cung lao động giá rẻ dồi dào. Đây là động lực đứng sau sự vươn lên của Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, theo NBS, chỉ có 28% tổng số lao động di cư làm việc trong ngành sản xuất vào năm ngoái, giảm 10 điểm phần trăm so với 15 năm trước. Ngược lại, các ngành dịch vụ - nơi mức lương thấp hơn ngành sản xuất – lại chiếm tới 54% lao động di cư, tăng 11 điểm phần trăm chỉ trong 10 năm.

Kết quả là, các nhà sản xuất đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng công nhân. Khi NBS khảo sát hơn 90.000 nhà sản xuất vào năm 2021, 44% cho biết vấn đề quản lý lớn nhất của họ là khó khăn trong tuyển dụng.

Với tỷ lệ người học đại học tăng lên 60%, những người trẻ tuổi đang ngày càng tập trung hơn vào các công việc văn phòng. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ là 15% - gấp ba lần tỷ lệ chung của cả nước - nhưng hầu như không cử nhân đại học nào muốn chuyển sang ngành sản xuất.

Trong khi đó, nhu cầu lao động đang gia tăng trong các lĩnh vực như xe điện, một lĩnh vực mà chính phủ đang hỗ trợ. Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc dự báo các ngành sản xuất chính như ô tô sẽ thiếu hụt 30 triệu lao động vào năm 2025.

Sự kết hợp giữa tình trạng thiếu hụt lao động và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang gây áp lực gia tăng chi phí lao động. Mức lương trung bình trong ngành sản xuất khu vực tư nhân đã tăng 2,4 lần trong 10 năm tính đến hết năm 2022. Thu nhập trung bình tháng của lao động di cư tăng 80% trong 10 năm tính đến cuối năm 2023.

Hiện nay, chi phí sản xuất ở Trung Quốc đã cao hơn so với một số nền kinh tế sản xuất khác. Theo khảo sát của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, mức lương cơ bản hàng tháng tại các công ty sản xuất Nhật Bản mở rộng sang Trung Quốc là 576 USD vào năm 2023.

10 năm trước, mức lương cơ bản của các công ty này bằng với mức lương của các công ty Nhật Bản hoạt động tại Thái Lan, nhưng hiện nay đã cao hơn 40%.

Cho đến nay, Trung Quốc đã thu hút các công ty nước ngoài bằng lợi thế lực lượng lao động giá rẻ và dồi dào. Nhưng bất đồng với Mỹ và các rủi ro địa chính trị khác đã thúc đẩy sự chuyển dịch sang chiến lược giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Xu hướng này có thể tăng tốc khi lực lượng lao động di cư già hóa của nước này làm gia tăng chi phí.

NBS ngày 30/4 công bố số liệu cho thấy hoạt động sản xuất của nước này đã tăng trưởng hai tháng liên tiếp trong tháng 3 và 4/2024. Điều này mang đến một tín hiệu tích cực cho các nhà chức trách, vốn đang chật vật với nỗ lực vực dậy nền kinh tế khổng lồ khi nhu cầu nội địa yếu và thị trường bất động sản sụt giảm.

Theo NBS, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - một thước đo quan trọng về sản lượng nhà máy - đạt 50,4. Con số này cao hơn một chút so với mức 50, là ngưỡng ranh giới giữa tăng trưởng và suy giảm.

Mặc dù giảm so với tháng 3, nhưng chỉ số PMI trong tháng 4/2024 của Trung Quốc đã vượt mức dự báo 50,3 của các nhà phân tích Bloomberg.

Sau khi nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 vào cuối năm 2022, Chính phủ Trung Quốc đã gặp khó khăn trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Trong khi đó, thị trường bất động sản của nước này lại ngập trong khó khăn, với giá nhà liên tục giảm trong những tháng gần đây, còn doanh số bán lẻ chịu tác động tiêu cực từ nhu cầu nội địa yếu.

Tăng trưởng toàn cầu chậm lại cũng khiến nhu cầu đối với các sản phẩm của Trung Quốc ở nước ngoài suy yếu. NBS cho biết trong một tuyên bố: "Ngành sản xuất vẫn đang trong tình trạng phục hồi và phát triển".

Đầu tháng 3/2024, Trung Quốc công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2024, một mục tiêu được nhiều chuyên gia kinh tế cho là tham vọng. Các quan chức nước này cũng đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy chi tiêu hạ tầng và phục hồi hoạt động kinh tế, trong đó có kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm ngoái, một con số mà nhiều nhà kinh tế cho rằng là quá cao mặc dù đây đã là mức tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế này kể từ những năm 1990 và không tính những năm đại dịch.

Theo chuyên gia Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại cơ quan quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, dữ liệu PMI của tháng 4/2024 cho thấy "sản xuất được cải thiện nhưng các đơn đặt hàng mới lại giảm so với tháng trước". Điều này cho thấy nhu cầu nội địa vẫn còn khá yếu.

"Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm nay một phần là nhờ xuất khẩu mạnh. Lĩnh vực bất động sản vẫn chưa ổn định", ông Zhang nhận định.

Chỉ số PMI phi sản xuất của Trung Quốc, đo lường hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, đạt 51,2 trong tháng 4/2024, giảm so với mức 53,0 của tháng 3 và thấp hơn dự báo, theo số liệu của NBS.

Khánh Ly

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.