Thiếu hụt container rỗng: Vì sao Việt Nam không tự sản xuất?
Doanh nghiệp khốn đốn vì thiếu container rỗng
Thời gian qua việc thiếu container rỗng khiến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trợ nên khó khăn và trở nên đắt đỏ.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thủy sản, tháng 1/2021, cước tàu đi EU đã tăng từ 145 - 276% (tùy theo cảng).
Tháng 12/2020, giá cước cảng chính là 2.850 USD/container thì bước sang tháng sau đã tăng lên 7.000 USD/container (tăng 145%), một số hãng cũng tăng từ 2.800 USD/container lên 10.550 USD/container (tăng 276%).
Trao đổi với người viết ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam giảm mạnh, điều này khiến số lượng container rỗng ở cảng khan hiếm.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đưa ra giá thuê cao hơn nên container rỗng đổ về đây nhiều hơn.
“Nếu tàu nước ngoài chỉ chở container rỗng sang Việt Nam thì chi phí rất cao. Do đó, chỉ chờ vào việc nhập khẩu hàng hóa sau đó dùng các container đó để đóng đợt hàng tiếp theo xuất đi. Tuy nhiên, do lượng hàng hóa nhập khẩu về ít, Việt Nam liên tục xuất siêu dẫn đến tình trạng thiếu hụt container”, ông Nguyên nói
Chia sẻ những khó khăn do tình trạng thiếu hụt container, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết công ty anh chịu ảnh hưởng lớn từ điều này.
Theo đó, lượng xuất hàng giảm 40%. Chi phí vận tải tăng gấp 300%. Trong khi đó, nhu cầu xuất hàng của Trung Quốc lớn khiến lượng container cho các doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) vấn đề thiếu hụt container rỗng xảy ra đối với tất cả tuyến vận tải, trong đó tuyến vận tải đến Mỹ chiếm phần lớn.
VLA nhận định cuối năm thường là cao điểm của tình trạng khan hiếm container rỗng, đặc biệt năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID -19 làm thay đổi cán cân xuất nhập khẩu càng khiến cho tình trạng này trở nên phức tạp hơn.
Ngành công nghiệp sản xuất container vẫn chưa đủ hấp dẫn các ông lớn tại Việt Nam
Nhiều câu hỏi được đặt ra rằng tại sao Việt Nam không thể tự sản xuất container? Trả lời cho câu hỏi này, tại hội nghị tổng kết ngành thép, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết:
“Chúng tôi hỏi các doanh nghiệp cơ khí thì được biết loại thép dùng cho sản xuất container rất chuyên biệt và khó kiếm”.
Ông Hải cho biết Việt Nam hiện có vài chục doanh nghiệp hoạt động liên quan đến container (không tính các doanh nghiệp làm dịch vụ), nhưng hầu hết chưa phải là doanh nghiệp sản xuất đúng nghĩa.
Có doanh nghiệp đã từng sản xuất container, nhưng do điều kiện khách quan nên phải thu hẹp sản xuất. Còn lại chủ yếu là những doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo.
Các doanh nghiệp này mua vỏ container do các hãng tàu hoặc doanh nghiệp vận tải thanh lý sau 10-15 năm sử dụng, rồi cải tạo, sơn sửa thành các container văn phòng, container kho (không dùng để vận chuyển), nhà container.
Một số container sau cải tạo được đưa vào vận chuyển, nhưng chỉ dùng cho đường bộ, không đáp ứng được các yêu cầu để vận chuyển đường biển.
Lãnh đạo của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cải tạo container cho biết việc đóng mới container hoàn toàn nằm trong khả năng của Việt Nam nhưng có nhiều lý do để các đơn vị không mặn mà tham gia sản xuất.
Theo đó, đây là mặt hàng đặc thù và phải có đơn hàng số lượng lớn và đều đặn. Trong khi đó, số khách hàng lại không nhiều và cần vốn đầu tư lớn. Các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này hiện đều là quy mô nhỏ, không có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất nên họ phải chấp nhận việc cải tạo, sửa chữa container.
Ông Hải chia sẻ thêm: “Các doanh nghiệp muốn sản xuất container thì quy mô, năng lực hiện còn quá nhỏ. Còn doanh nghiệp có khả năng thì chưa thấy đủ động lực tham gia”.