Thiếu cơ chế, cho thêm tiền VAMC cũng không dám nhận
Ông có thể cho biết kết quả hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC từ đầu năm đến nay?
Tính đến ngày 13/9/2016, VAMC đã mua 421 khoản nợ của 314 khách hàng với số tiền 12.238 tỷ đồng. Bên cạnh mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB), VAMC tổ chức phân loại khách hàng để đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ, từ đó xây dựng phương án xử lý nợ đối với từng khoản.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp, với sự phối hợp chặt chẽ giữa VAMC và các TCTD, từ đầu năm đến nay, VAMC thu hồi được 12.520 tỷ đồng.
Để hỗ trợ các TCTD trong giải quyết nợ xấu, Chính phủ đã có chỉ đạo VAMC xem xét trả lại cho các TCTD những khoản nợ mà họ có thể xử lý được. Do đó, đối với những khoản nợ TCTD thấy rằng có thể thu hồi được, VAMC ủy quyền hết. Trong quá trình xử lý nợ, nếu gặp khó khăn vướng mắc VAMC sẽ hỗ trợ. Sau này nếu TCTD thấy có thể tự xử lý được và muốn mua lại khoản nợ đã bán cho VAMC thì VAMC sẵn sàng bán lại bằng đúng nguyên giá.
Muốn xử lý nhanh, triệt để nợ xấu thì phải triển khai mạnh mua bán nợ theo giá thị trường
Còn phần chi phí trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) cho các khoản nợ đã bán TCTD cũng được nhận lại đầy đủ. Như vậy, VAMC không lấy lãi đối với bất kỳ khoản nợ nào mua bằng TPĐB. Thực tế, đến thời điểm này VAMC đã bán lại cho TCTD gần 2.000 tỷ đồng nợ xấu nguyên giá. Qua đó có thể thấy, về cơ bản các TCTD được toàn quyền chủ động trong xử lý nợ xấu (XLNX).
Tất nhiên con số trên vẫn chưa như mong muốn của chúng tôi. Bởi như các bạn biết, VAMC đang gặp rất nhiều rào cản trong quá trình XLNX và NHNN đã trình Chính phủ những khó khăn vướng mắc để có hướng xử lý.
Còn kế hoạch mua nợ xấu theo giá thị trường thì sao, thưa ông?
Phải khẳng định mua nợ theo giá thị trường là mục tiêu trọng tâm trọng điểm của VAMC trong năm 2016 và chúng tôi rất muốn triển khai vì hiện VAMC được nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Nhưng quả thực việc đàm phán mua nợ theo giá thị trường lại hết sức khó khăn, đụng đâu cũng thấy vướng.
Ví như, các TCTD bán nợ cho VAMC nhận TPĐB có thời gian trích lập DPRR 5-10 năm. Nếu bán theo giá thịt trường thì họ phải trích ngay ít nhất 80 – 90% khoản nợ đó, thậm chí phải trích hết 100%. Như vậy, liệu TCTD có đủ khả năng tài chính để trích lập?.
Không chỉ đảm bảo về trích lập DPRR đầy đủ, các TCTD xác định bán nợ theo giá thị trường đảm bảo ít nhất bằng giá nợ gốc. TCTD cũng chỉ muốn bán hòa vốn bởi phần thiếu hụt không biết tính toán ra sao, có bị quy trách nhiệm hình sự hóa hay không?. Vì thế, họ tỏ ra e ngại khi bán nợ theo giá thị trường cho VAMC.
Vấn đề nữa đặt ra VAMC mua nợ theo giá thị trường thì phải bán theo giá thị trường. Nhưng muốn bán thì phải có thị trường. Nhưng giờ thị trường chưa có. Mà mua về để quản lý, theo dõi nếu không may thị trường biến động thì lỗ từ TCTD lại chuyển sang VAMC. Mà quan điểm của VAMC tuy kinh doanh không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng phải bảo toàn được vốn. Nên chúng tôi cũng hết sức thận trọng, hạn chế tối đa việc bán nợ dưới giá vốn. Cho nên việc VAMC mua nợ và TCTD bán nợ theo giá thị trường bằng giá gốc đang là vấn đề cốt lõi gây khó khăn trong việc mua bán nợ theo giá thị trường.
Do đó, vấn đề ở đây không phải là cần có bao nhiêu tiền mà thực tế VAMC cần có cơ chế với hành lang pháp lý rõ ràng. Muốn mua bán nợ theo giá thị trường phải có phương thức định giá giá trị khoản nợ và cần có một tiêu thức của một cơ quan trung gian như Bộ Tài chính có hướng dẫn về phương pháp định giá, tiêu thức chung để mọi người nhìn vào đánh giá được thực trạng.
Thị trường mua bán nợ phải được vận hành. Đặc biệt, hành lang pháp lý đảm bảo quy rõ trách nhiệm mua bán dưới giá gốc thế nào cũng như trường hợp thoái vốn Nhà nước, dưới giá gốc có vấn đề gì không?. Có cho phép TCTD bù đắp quỹ dự phòng rủi ro vào phần thiếu hụt không?. Phần thiếu hụt trong trích lập DPRR, TCTD có được trích trong nhiều năm để giảm áp lực về tài chính?
Một vấn đề quan trọng nữa đó là cơ chế xử lý tài sản đảm bảo phải thực hiện nghiêm, kiên quyết. Nếu không nghiêm, VAMC mua về không thu hồi được TSĐB, không phát mại mà suốt ngày đi kiện tụng, nợ đọng một chỗ như vậy thì có tiền VAMC cũng không dám mua. Mục tiêu của VAMC là không để đồng vốn ngân sách đọng lại một chỗ được mà phải đảm bảo quay vòng vốn.
Ngay cả đối với người đi vay cũng cần phải có cơ chế pháp lý rõ ràng để làm sao họ hiểu khi không trả được nợ phải bàn giao tài sản cho chủ nợ và phải chấp nhận định giá tài sản đảm bảo theo thị giá. Đó là quy luật của cuộc chơi. NH phải nhận nợ đến đồng cuối cùng thì khách hàng cũng phải trả nợ như vậy. Trừ trường hợp người vay không còn gì nữa mới xem xét miễn, giảm lãi nhưng dứt khoát phải trả gốc.
Người vay phải có trách nhiệm trả nợ đến đồng cuối cùng. Lúc này, nếu dùng tiền ngân sách để XLNX thì mọi người sẽ hiểu là lấy tiền của dân người nghèo chia cho người giàu nhởn nhơ đi xe sang, nhà đẹp. Muốn vậy phải có hành lang pháp lý nghiêm minh đối với người đi vay, thậm chí phải hình sự hóa với con nợ vô trách nhiệm, coi thường pháp luật.
Nhưng đang có đề xuất cần thiết phải bơm thêm tiền tươi thóc thật để VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường giải quyết nhanh số nợ xấu tồn đọng?
Đúng là muốn xử lý nhanh, triệt để nợ xấu thì phải triển khai mạnh mua bán nợ theo giá thị trường. Và tiền tươi thóc thật rất quan trọng. Tôi được biết, Bộ Kế hoạch đầu tư xây dựng phương án sử dụng vốn ngân sách để xử lý nợ xấu. Đây là ý tưởng hay nhưng nó ở thì tương lai. Theo tính toán của VAMC từ năm 2018 - 2020 dứt khoát thị trường mua bán nợ sẽ hoạt động sôi nổi. Vì lúc đó TCTD đã trích DPRR tối thiểu 50 - 60% giá trị khoản nợ rồi. Phần còn lại họ phải đẩy để thu hồi đủ giá trị khoản nợ, và có thể lãi khi thị trường hồi phục.
Nếu các kiến nghị VAMC được thông qua hành lang pháp lý thông thoáng điều kiện mua bán nợ sẽ tốt hơn. Khi đó nếu được cấp vốn ngân sách VAMC dùng tiền đó để mua các khoản nợ xấu. Và biến khoản nợ xấu thành khoản tiền thật và có giá trị ít nhất bằng hoặc hơn khoản đã mua. Như vậy dù có được cấp vốn ngân sách để XLNX thì không phải vốn đó mất đi mà thực chất là ứng trước cho VAMC một khoản tiền để mua và bán khoản nợ xấu ra thị trường.
Mặc dù đề án trên là đúng đắn nhưng như phân tích ở trên, nếu không có cơ chế tháo gỡ vướng mắc về hành lang pháp lý thì có cho thêm tiền VAMC không dám nhận. Vì khi mà quyền con nợ vẫn to hơn chủ nợ thì có tiền cũng không thể nào giải quyết được nợ xấu.
Xin cảm ơn ông!
Trong kinh doanh cũng sẽ có lỗ, lãi và khoản nọ bù khoản kia và về cơ bản bảo toàn vốn cho ngân sách. Cho nên không có chuyện dùng tiền vốn ngân sách để XLNX có nghĩa là tiền đó mất đi hay hoà tan để xử lý cho TCTD . Mà số vốn đó vẫn được VAMC bảo toàn. Đấy là nguyên tắc cũng là trách nhiệm phải thực hiện. |
Theo Thanh Huyền
Thời báo ngân hàng