Nhà ống là loại nhà phổ biến nên kiến trúc, thiết kế nội thất cơ bản cũng phổ biến, sự khác biệt chỉ đến từ các chi tiết như giếng trời, cầu thang và vị trí sắp xếp phòng khách, bếp ăn, nhà vệ sinh…
Trong thời buổi hiện đại “đất chật người đông” thì những căn nhà ống với diện tích hạn chế (khoảng 40 – 60 m2) đang ngày càng trở nên phổ biến. Đây là mẫu nhà điển hình hiện nay nên chủ nhà thường cũng có những mong muốn giống nhau: làm sao để tận dụng được hết diện tích đất, thiết kế nội thất khiến không gian thoáng đãng và thể hiện được phong cách riêng.
Về loại nhà này, Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trường Giang của Công ty Kiến trúc và Nội thất FTF đưa ra một số lời khuyên cụ thể: do là mẫu nhà điển hình nên về cơ bản thiết kế của tất cả các căn nhà ống đều khá giống nhau, sự khác biệt chỉ đến từ những thiết kế chi tiết trong mỗi căn như thiết kế cầu thang, giếng trời, cách thiết kế và sắp xếp khu bếp, phòng khách, vị trí nhà vệ sinh…
Căn hộ mẫu dành cho hai vợ chồng trẻ và hai con mà Kiến trúc sư Trường Giang đưa ra làm ví dụ dưới đây được xây dựng trên khu đất có kích thước 3,6 m × 16 m, mặt đứng với phong cách thiết kế đơn giản, sử dụng vật liệu nhẹ, chiếu sáng và thông gió tự nhiên cho các phòng trong nhà.
Theo đó, tầng 1 sẽ bao gồm chỗ để xe, phòng khách, bếp và nhà vệ sinh (tính từ ngoài cửa vào). Những tầng trên đều là các phòng ngủ của bố mẹ, con cái, phòng ngủ dành cho khách khi tới thăm nhà nghỉ lại và phòng giặt, phơi đồ...
Tại tầng 1, phòng khách cần đảm bảo nguyên tắc có thể quan sát toàn bộ tầng dưới cùng của căn nhà. Còn khu bếp cần được thiết kế với khả năng thoát khí tốt bởi việc nấu nướng món ăn Việt sử dụng nhiều gia vị khiến không gian dễ bị ám mùi. Đồng thời, bếp ăn cũng phải đảm bảo không gian rộng rãi, tiện cho thói quen thường xuyên nấu nướng của chủ nhà, tiện cho cả việc hỗ trợ nấu nướng của các thành viên khác trong gia đình.
Nhà vệ sinh sẽ được “đẩy” về phía sau bếp thay vì để ở giữa nhà như thường thấy. Sự sắp xếp vị trí này không những tiện ích hơn khi sử dụng, mà còn giúp việc lắp đặt đường ống thoát khí tốt hơn, việc này đặc biệt quan trọng khi khu ngồi ăn được đặt ngay bên cạnh. Không những thế, nhà vệ sinh đặt phía trong cùng tầng 1 còn kín đáo và phần nào hợp với phong thủy hơn so với vị trí giữa nhà.
Khi thiết kế nội thất căn nhà cần lưu ý, do gia chủ là cặp vợ chồng trẻ nên cần sử dụng ít màu sắc và chỉ dùng các gam màu đơn giản để tạo không gian sáng, thoáng, phong cách hiện đại. Mỗi phòng ngủ có thể lựa chọn màu sắc và thiết kế nội thất khác nhau nhưng khu vực cầu thang nối các tầng cần thống nhất về thiết kế, màu sắc tường, kiểu cách, chất liệu thang, tay vịn, đèn chiếu sáng…
|
Nhà ống diện tích khoảng từ 40 - 60 m2 là loại nhà phổ biến hiện nay. |
|
Vì đất hẹp nên chủ nhà thường xây nhiều tầng để tận dụng diện tích sử dụng. |
|
Tầng 1 gồm chỗ để xe, phòng khách, bếp ăn và nhà vệ sinh (tính từ ngoài cửa vào). Trong đó, phòng khách cần đảm bảo nhìn được toàn cảnh tầng 1. |
|
Do gia chủ là cặp vợ chồng trẻ nên nội thất ngôi nhà cần sử dụng ít màu sắc và chỉ dùng các gam màu đơn giản để tạo không gian sáng, thoáng, phong cách hiện đại. |
|
Điểm nhấn của nhà ống là không gian giếng trời để tận dụng tối đa ánh sáng vào trong nhà. |
|
Cầu thang kết cấu dạng xương cá cũng là chủ định trong thiết kế giúp không gian giữa nhà thông thoáng và đón được nhiều ánh sáng hơn. |
|
Khu bếp cần được thiết kế với khả năng thoát khí tốt bởi việc nấu nướng món ăn Việt sử dụng nhiều gia vị khiến không gian dễ bị ám mùi. |
|
Nhà vệ sinh sẽ được “đẩy” về phía sau bếp thay vì để ở giữa nhà như thường thấy. |