|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thị trường Trung Quốc: Hướng xuất khẩu chính ngạch bền vững

08:13 | 18/05/2017
Chia sẻ
Việt Nam và Trung Quốc cần hoạch định và đẩy mạnh xuất nhập khẩu chính ngạch tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư kinh doanh.

Cần hoàn thiện cơ chế quản lý xuất nhập khẩu, kiểm soát tình trạng buôn lậu qua biên giới, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu hướng chính ngạch để xuất khẩu bền vững. Nhận định này được đưa ra tại Hội nghị phổ biến Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/5 tại Cao Bằng.

Theo Bộ Công Thương, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc trong giai đoạn 2011-2016 đạt trên 100 triệu USD, chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 25% trong kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc.

thi truong trung quoc huong xuat khau chinh ngach ben vung
Hội nghị phổ biến Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc. (Nguồn: VOV)

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của Việt nam sang Trung Quốc vẫn là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, trái cây tươi, cao su… Kim ngạch lưu chuyển hàng hóa qua cửa khẩu biên giới Việt – Trung tốc độ tăng trưởng không ổn định.

Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc được ký kết từ năm 2016, thay thế cho hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới Việt – Trung năm 1998, tạo hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ước tính, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc sẽ đảm bảo tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung hàng năm ở mức ổn định, bền vững khoảng 30%. Hiệp định này góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cư dân khu vực biên giới, đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao vai trò của thương mại biên giới trong thương mại song phương.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, từ Hiệp định này, Việt Nam cần xây dựng chiến lược hoạt động thương mại biên giới cụ thể, bài bản. Theo đó cần chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp biên giới.

Đồng thời hoàn thiện cơ chế quản lý xuất nhập khẩu nói chung và tiểu ngạch nói riêng, kiểm soát ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua các tỉnh biên giới. Bên cạnh đó, cần hoạch định và đẩy mạnh xuất nhập khẩu theo con đường chính ngạch tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư kinh doanh.

Ông Phạm Văn Trường, Trường Cao đẳng kinh tế thương mại, Bộ Công thương cho rằng, cần phải tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp, hàng hóa đảm bảo chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch. Có như vậy, mới không còn tình trạng giải cứu các mặt hàng nông sản hay thực phẩm ở nhiều địa phương như thời gian qua.

“Việt Nam cần xây dựng mặt hàng nông, lâm, thủy sản chiến lược, từ đó quy hoạch vùng sản xuất, tạo điều kiện cho hàng hóa giữ được giá. Từ Hiệp định đã kí kết, nhà nước cần triển khai cụ thể các giải pháp hỗ trợ thương nhân về thị trường, về vốn, tỷ giá tạo thuận lợi trong chiến lược xuất nhập khẩu. Nghiên cứu tốt thị trường nước bạn để có phương án xuất khẩu phù hợp. Bên cạnh đó cần tiếp tục đàm phán với Trung Quốc mở rộng thêm thị trường nữa cho thị trường hàng hóa của Việt Nam vào bằng con đường chính ngạch”, ông Trường đề xuất.

Cũng theo Bộ Công Thương, để triển khai hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 2534/2016 về kế hoạch thực hiện Hiệp định.

Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Công Thương hỗ trợ thương nhân thương mại biên giới Việt - Trung tổ chức hệ thống phân phối hàng hóa qua cửa khẩu; xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư qua biên giới Việt - Trung; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thu hút và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua biên giới...

Việt Hà

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.