|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường thủy sản nội địa còn nhiều dư địa

21:30 | 08/10/2017
Chia sẻ
Thị trường thủy sản nội địa còn nhiều dư địa. Nhà nước cần xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển để hỗ trợ cơ sở chế biến phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa, với tiềm năng hơn 92 triệu dân và hơn 10 triệu khách du lịch.
thi truong thuy san noi dia con nhieu du dia
Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NNK

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức”, tại Hà Nội ngày 7/10/2017.

Mỗi người tiêu thụ 27 kg thủy sản/năm

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Công Khôi - Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT) cho biết, chế biến và thương mại thủy sản đang phát triển nhanh và tự khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Giá trị xuất khẩu (XK) luôn đứng đầu trong các mặt hàng nông lâm thủy sản XK của Việt Nam, chiếm 25% và đứng thứ 4 các nước có số lượng và kim ngạch XK thủy sản lớn nhất thế giới. Năm 2010, XK thủy sản đạt trên 7,05 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 7 - 10%/năm, thủy sản Việt Nam đã XK sang 164 nước và vùng lãnh thổ.

"Trong sự phát triển chung đó, lĩnh vực chế biến thủy sản cung cấp cho thị trường nội địa đã phát triển nhanh chóng. Ngoài 567 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp sản xuất hàng XK, còn có khoảng 4.000 cơ sở chế biến nhỏ, hộ gia đình, các làng nghề thủy sản mỗi năm thu hút được khoảng 40.000 lao động. Tuy giá trị chưa cao như XK nhưng sản phẩm thủy sản truyền thống đã góp phần làm phong phú nguồn thực phẩm cho trên 92 triệu người dân Việt và bình ổn giá thực phẩm của thị trường trong nước. Ngoài ra, tiêu thụ thủy sản nội địa góp phần ổn định sản xuất thủy sản nói chung khi XK gặp nhiều khó khăn trên thị trường thế giới" - ông Khôi khẳng định.

Còn theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cơ hội cho ngành chế biến thủy sản trong nước là rất lớn khi tiêu thụ thủy sản bình quân của người Việt Nam ở mức cao, 27kg/người/năm. Dự báo giá trị thủy sản chế biến tiêu thụ trong nước tăng bình quân 5,37%/năm trong giai đoạn 2011 - 2020. Mức tiêu thụ trong nước năm 2020 được dự báo sẽ đạt 940.000 tấn.

Ngoài ra, vốn đầu tư cho chế biến sản phẩm thủy sản cung cấp cho thị trường nội địa cũng không nhiều. Vòng quay sản phẩm ngắn nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh tương đối cao... nên các doanh nghiệp dễ dàng tham gia.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản còn gặp một số khó khăn. Trước tiên là quản lý Nhà nước về lĩnh vực chế biến thủy sản cho thị trường nội địa, việc tiếp cận, vận dụng các chính sách của Chính phủ về khuyến khích đầu tư như: vốn, đất đai, lao động, đào tạo của các cơ sở triển khai vào thực tế rất khó khăn. Công tác quản lý, giám sát còn chồng chéo giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế…

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm còn thấp, không ổn định, ít được chú trọng và cải thiện; làm theo truyền thống nên ý thức đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế, sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu chất lượng của người tiêu dùng. Không những vậy, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về nguyên liệu do sản lượng khai thác ngày càng giảm, chi phí khai thác ngày một tăng gây lên nên tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất cho các mặt hàng này....

Đẩy mạnh xúc tiến hàng thủy sản làng nghề

Để phát triển thị trường thủy sản, theo các đại biểu, Nhà nước cần rà soát lại những chính sách đang thực hiện, để bổ sung, thay thế những chính sách không còn phù hợp, nghiên cứu đề xuất thêm những chính sách mới nhằm thu hút nhà đầu tư.

Cùng với đó, "đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng thủy sản của các làng nghề ở địa phương đến được các thị trường lớn; củng cố và phát triển tốt các chợ nông thôn, hình thành các chợ đầu mối nhằm khơi thông tốt thị trường... Phát triển các hệ thống cung ứng cho từng mặt hàng theo nhu cầu, cả mặt địa lý và thu nhập. Khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ tập trung thị trường trong nước" - ông Đào Trọng Hiếu, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đề xuất.

Theo ông Hiếu, thực tế, thị trường nội địa đang bị xem nhẹ về vấn đề chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Vì vậy, các doanh nghiệp chú ý đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng hàng hoá, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Công ty Traceverified cũng nhấn mạnh, muốn phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa, Nhà nước và doanh nghiệp cần có chương trình truyền thông để thay đổi tư duy của người tiêu dùng. Người tiêu dùng đang có thói quen mua đồ tươi sống, không bao gói, không mua đồ đông lạnh. Trong khi đó, các nước phát triển chủ yếu tiêu dùng sản phẩm đông lạnh hoặc ướp đá.

"Muốn phát triển mặt hàng thủy sản tại thị trường nội địa, cần có chương trình truyền thông cho người tiêu dùng Việt Nam để thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng. Song song đó, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến cho thị trường trong nước cho các phân khúc thị trường bình dân, trung lưu, cao cấp; liên kết xây dựng hệ thống phân phối nội địa"- đại diện Công ty Traceverified nêu rõ./.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường nông thủy sản các tháng cuối năm 2017 và thời gian tới. Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT triển khai theo thẩm quyền các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường các mặt hàng nông thủy sản; trong đó chú trọng phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành, nhất là tăng cường chia sẻ thông tin về tình hình sản xuất, thị trường, tiến trình tháo gỡ rào cản và đàm phán mở cửa thị trường...
thi truong thuy san noi dia con nhieu du dia Khuyến khích doanh nghiệp thuỷ sản coi trọng phát triển thị trường nội

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với thị ...

Khánh Linh