|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

[Thị trường thế giới ngày 21/6] USD chạm đỉnh 1 tháng, giá dầu xuống thấp nhất 7 tháng

07:52 | 21/06/2017
Chia sẻ
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch ngày hôm qua vì USD tăng. Trong khi giá dầu xuống thấp nhất 7 tháng vì lo ngại sản lượng tăng ở các nước không tham gia cam kết cắt giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực của OPEC và các nước đồng minh trong việc cân bằng thị trường dầu. 
thi truong the gioi ngay 216 usd cham dinh 1 thang gia dau xuong thap nhat 7 thang

Bảng cập nhật tình hình thị trường thế giới (giá dầu, vàng, USD và chứng khoán Mỹ). Tổng hợp: Tố Tố.

Trên thị trường vàng, giá chạm đáy 5 tuần trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (20/6) vì đồng USD lên đỉnh 1 tháng so với các đồng tiền chủ chốt trên thị trường tiền tệ trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay.

Đồng bạc xanh tăng cao sau phát biểu của Chủ tịch Fed tại New York William Dudley hôm thứ Hai rằng sự cải thiện của thị trường lao động có thể giúp tăng lạm phát. Nếu lạm phát tăng, sẽ mở ra cơ hội cho một lần tăng lãi suất nữa vào cuối năm nay.

Ngân hàng Trung ương Mỹ đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, từ 1% lên 1,25% vào thứ Tư tuần trước như dự đoán trước đó của thị trường.

Kể từ sau buổi họp của Fed trong tuần trước, chỉ một vài nhà hoạch định chính sách tỏ ra thận trọng về việc tăng lãi suất trong những tháng tới.

Chủ tịch Fed tại Chicago Charles Evans phát biểu hôm thứ Hai rằng Fed nên chờ cho đến cuối năm để quyết định có nên tăng lãi suất thêm 1 lần nữa hay không vì số liệu lạm phát suy yếu trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, đồng bảng Anh giảm sau khi thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mark Carney nói rằng hiện tại vẫn chưa là thời điểm tăng lãi suất. Tuần trước, ba nhà hoạch định chính sách của BoE đã bỏ phiếu ủng hộ tăng lãi suất.

Trên thị trường dầu, giá dầu giao tương lai giảm xuống thấp nhất 7 tháng vì số liệu dự báo cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ không thể cân bằng lo ngại về việc sản xuất toàn cầu gia tăng.

Cảm nhận của thị trường về dầu ở mức tiêu cực vì các nhà đầu tư vẫn nghi ngờ vào những nỗ lực của OPEC và các nước đồng minh trong việc tái cân bằng nguồn cung và cầu trên thị trường trong bối cảnh sản xuất đầu ra toàn cầu tăng.

Bất chấp việc OPEC tuân thủ 108% với cam kết cắt giảm sản lượng trong tháng 5, sản xuất ở cả Nigeria và Libya đã làm gia tăng lượng dư thừa của nguồn cung.

Hôm thứ Ba, một quan chức tại công ty dầu khí quốc gia cho biết, hiện tại, Libya sản xuất 902.000 thùng/ngày. Đây là sản lượng cao nhất của quốc gia Bắc Phi trong vòng 4 năm. Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô nhẹ Bonny của Nigeria được dự báo sẽ đạt 226.000 thùng/ngày trong tháng 8, tăng từ 164.000 thùng/ngày trong tháng 7.

Nigeria và Libya đều không thuộc các quốc gia tham gia cam kết cắt giảm sản lượng.

Bên cạnh đó, dự báo của thị trường về báo cáo hàng tuần của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) được công bố vào thứ Tư cho thấy dầu tồn kho của Mỹ sẽ giảm 2,1 triệu thùng, nhưng vẫn không thể làm dịu cảm nhận của thị trường. Nguyên nhân là vì các nhà đầu tư vẫn lo ngại về lượng dư thừa không lường trước của xăng trong bối cảnh nhu cầu suy yếu.

Tuần trước, EIA cho biết xăng tồn kho tăng 2 triệu thùng so với dự báo là sẽ giảm 457.000 thùng.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày hôm qua vì các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu năng lượng sau khi giá dầu rơi vào vùng thị trường giá xuống.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi các bài phát biểu của các quan chức Fed để tìm ra lập trường của ngân hàng trung ương về việc nâng lãi suất trong tương lai, cũng như về tình hình chính trị.

Tố Tố