|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường dự báo đi ngang, những yếu tố vĩ mô nào cần theo dõi?

08:11 | 25/08/2022
Chia sẻ
Theo ông Ngô Minh Đức, Giám đốc CTCP Phát triển vốn và đầu tư LCTV, các tín hiệu vĩ mô, nhất là thông tin từ lãi suất, từ dòng tiền của ngân hàng trung ương luôn là một định hướng hiệu quả cho cuộc đua dài hạn trong giai đoạn bơm tiền.

BTV Phương Nam và Giám đốc CTCP Phát triển vốn và đầu tư LCTV trong chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital. (Ảnh chụp màn hình). 

Thị trường trong nước đang có 6 tuần tăng điểm liên tiếp. Tuy nhiên, vừa qua, chỉ số chứng khoán thế giới cũng như Dow Jones đã kết thúc chuỗi tăng điểm liên tiếp và bắt đầu điều chỉnh. Việt Nam luôn có độ trễ nhất định vì vậy thị trường có thể sẽ diễn ra một sự điều chỉnh từ 5 - 10 điểm trong tuần này.

Tại chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, ông Ngô Minh Đức, Giám đốc CTCP Phát triển vốn và đầu tư LCTV, cho rằng thị trường đang chủ yếu ở trạng thái đi ngang, dần dần phân hoá giữa các nhóm, các ngành. Từ phiên giao dịch thứ Tư của tuần trước, thị trường đã bắt đầu tăng điểm ít hơn. Mỗi khi chạm vào ngưỡng quanh 1.285 điểm thì đến phiên chiều, lực chốt lời lại mạnh dần lên.

Đến hiện tại, đà bán chốt lời của một số nhà đầu tư bắt đáy tiếp tục diễn ra tuy nhiên lực chốt lời không thực sự mạnh và cầu mua vào của thị trường vẫn được tiếp diễn, không như giai đoạn tháng 5, tháng 6 là tương đối căng thẳng khi lực bán, lực giải chấp rất lớn.

Thị trường đang có một khoảng trống thông tin khi tình hình vĩ mô không ghi nhận nhiều biến động. Những bước đi “ngẫu nhiên”, không tăng, không giảm được dự báo sẽ diễn ra trong ít nhất 2 tuần tới.

Hiện tại, thị trường vẫn duy trì mức thanh khoản tương đối tốt và xu hướng bán tháo dường như cũng không còn nữa. Lực cung có thể có tuy nhiên sẽ không mạnh mẽ được giống các đợt sụt giảm trước.

Ông Ngô Minh Đức, Giám đốc CTCP Phát triển vốn và đầu tư LCTV. (Ảnh chụp màn hình). 

Thị trường chứng khoán là cuộc chạy marathon dài hạn đối với nhà đầu tư tài chính vì vậy ta phải biết phân bổ sức lực phù hợp, có những giai đoạn nghỉ ngơi và có những giai đoạn cần bung sức để về đích. Các tín hiệu vĩ mô, nhất là thông tin từ lãi suất, từ dòng tiền của ngân hàng trung ương luôn là một định hướng hiệu quả cho cuộc đua dài hạn trong giai đoạn bơm tiền.

Khi tăng trưởng tín dụng bắt đầu có dấu hiệu tăng tốc, lãi suất bắt đầu xu hướng giảm hoặc duy trì ở nền giá thấp thì những tài sản rủi ro như chứng khoán luôn được coi là kênh đầu tư giúp thu lợi nhuận trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, sau khi Fed tăng lãi suất và ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ, xu hướng của thị trường nhìn chung lại diễn ra tương đối chậm chạm, đặc biệt vào 1-2 tuần gần đây vì vậy đây chính là giai đoạn chúng ta nên dưỡng sức để bức tốc ở các giai đoạn sau. Vào thời điểm hiện tại, chúng ta chỉ nên dành khoảng 20% cho chứng khoán trong tổng ngân sách và dòng tiền quản lý.

Xu hướng khối ngoại đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư thời gian gần đây, đặc biệt khi tuần trước họ có phiên mua ròng trên 500 tỷ đồng. Một số cổ phiếu mà khối ngoại mua có thể kể đến như HDB hay một số chứng chỉ quỹ như E1VFVN30, ngoài ra những mã khác như SSI và PVD cũng được họ mua ròng vào.

Theo ông Đức, mua bán của nhà đầu tư nước ngoài chia ra hai thể loại là đầu tư nước ngoài theo hình thức trực tiếp và đầu tư nước ngoài theo hình thức gián tiếp thông qua quỹ ETF. Trong tuần qua, các quỹ ETF không huy động được nhiều. Xu hướng của thế giới đối với khu vực châu Á bây giờ là bán ròng quỹ ETF nhưng Việt Nam lại có xu hướng mua ròng tuy không nhiều.

Những giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài 1 - 2 tuần qua chủ yếu do cơ cấu danh mục nhằm tập trung vào cổ phiếu ngành chứng khoán như SSI bởi SSI đang có câu chuyện chung từ ngành chứng khoán là T+2, áp dụng từ cuối tháng 8.

Linh Chi