|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng quyền tuần (15 - 19/6): Nhộn nhịp chứng quyền mới giao dịch, CHPG2009 tăng giá gấp đôi

22:18 | 21/06/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng quyền tuần qua ghi nhận sự sôi động giữa các chứng quyền đáo hạn và đưa vào giao dịch mới, trong đó đáng chú ý chứng quyền CHPG2009 tăng giá gần gấp đôi chỉ trong tuần đầu tiên chào sàn.
Thị trường chứng quyền tuần - Ảnh 1.

Chứng quyền CHPG2009 (cổ phiếu Hòa Phát) tăng giá gần gấp đôi sau tuần giao dịch đầu tiên. Ảnh minh họa: Sơn Tùng.

Đáo hạn 15 mã chứng quyền phát hành đầu tiên năm 2020

Tuần giao dịch 15 - 19/6 ghi nhận 15 mã chứng quyền ngừng giao dịch do sắp đến ngày đáo hạn, đây là những chứng quyền đầu tiên được phát hành trong năm 2020 bởi các công ty Chứng khoán MB (MBS), KIS Việt Nam và Chứng khoán TP HCM (HSC).

Ghi nhận tại ngày giao dịch cuối cùng, tất cả 15 mã này đều ở trong trạng thái lỗ vị thế, mức thấp nhất là 0,9% và lỗ nhiều nhất là 90,5%.

Cụ thể, MBS đáo hạn 2 chứng quyền CFPT1908 và CREE1905 với giá hòa vốn ban đầu lần lượt là 63.450 đồng/cp và 41.050 đồng/cp. Kết thúc kì hạn, hai cổ phiếu FPT và REE dừng tại 47.000 đồng/cp và 31.400 đồng/cp, tương đương lỗ vị thế lần lượt 25,9% và 23,5%.

Chứng khoán KIS đáo hạn 4 chứng quyền gồm CDPM2001, CHDB2001, CROS2001 và CSTB2001. Đáng chú ý trong đó, chứng quyền CROS2001 mất gần như toàn bộ giá trị với mức lỗ vị thế lên tới 90,5%; khi giá hòa vốn là 32.468 đồng/cp và giá đáo hạn chỉ còn 3.090 đồng/cp.

Chứng khoán HSC cũng đáo hạn 9 mã chứng quyền dựa trên các cổ phiếu cơ sở FPT, GMD, MBB, MWG, REE, TCB, VNM, VPB, VRE. Sau đợt đáo hạn này, thị trường chứng quyền chính thức không còn sự góp mặt của chứng quyền GMD do cổ phiếu này đã bị loại khỏi danh mục VN30.

Thị trường chứng quyền tuần - Ảnh 1.

15 mã chứng quyền đầu tiên phát hành năm 2020 dừng giao dịch do sắp đến ngày đáo hạn, tất cả đều trong trạng thái lỗ vị thế. Nguồn: HOSE.

Chứng khoán HSC và SSI đưa vào giao dịch thêm 21 mã chứng quyền mới

Ngay sau khi đáo hạn 9 chứng quyền, Chứng khoán HSC đưa vào giao dịch thêm 13 mã mới dựa trên các cổ phiếu FPT, HPG, MBB, MSN, MWG, PNJ, REE, TCB, VHM, VJC, VNM, VPB và VRE. Các mã này đều có kì hạn 6 tháng, giá phát hành dao động từ 1.000 đồng/cw đến 2.100 đồng/cw.

Sau tuần giao dịch đầu tiên, hiện có 3 mã đang giữ được trạng thái lãi vị thế gồm CHPG2009, CTCB2006 và CVRE2006. Điều này một phần đến từ xu hướng bứt phá của các cổ phiếu cơ sở HPG, TCB và VRE trong những phiên giao dịch gần đây.

Ngược lại, nhiều chứng quyền đang tạm lỗ ở mức hai con số như chứng quyền FPT, MSN, VJC VPB, MWG, PNJ. Trong đó, mã hiện lỗ nhiều nhất là CFPT2006 với mức mất giá 21%.

Thị trường chứng quyền tuần - Ảnh 2.

Chứng khoán HSC và SSI đưa thêm 21 mã chứng quyền mới vào giao dịch chính thức, đa số đều đang trong trạng thái lỗ vị thế. Nguồn: HOSE.

Cùng với HSC, Chứng khoán SSI cũng đưa thêm 8 mã chứng quyền mới vào giao dịch chính thức gồm chứng quyền HPG, MWG, STB, TCB, VHM, VNM, VPB và VRE. Các chứng quyền này phần lớn đều đang ở trong trạng thái lỗ vị thế trên 10%, riêng mã tích cực nhất là CSTB2004 lỗ 4%.

Thị trường chứng quyền phân hóa trong tuần qua

Về diễn biến trong tuần qua, thị trường chứng quyền ghi nhận sự phân hóa với ưu thế nghiêng về chiều đi xuống, trong đó 46 mã giảm giá, 16 mã tăng giá và 2 mã đứng giá tham chiếu.

Trong bối cảnh đó, chứng quyền CHPG2009 bứt phá ngay trong tuần giao dịch đầu tiên, với mức tăng gần gấp đôi từ 1.600 đồng/cw lên 3.180 đồng/cw. Sự tích cực của mã này được ghi nhận khi cổ phiếu HPG kết thúc nhịp điều chỉnh và quay đầu tăng mạnh trở lại, đến hết tuần tăng 3,2% lên 27.350 đồng/cp.

Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng chứng kiến sự khởi sắc tại các chứng quyền CTCB2006 (69,2%); CSTB2004 (59,3%) hay CMBB2006 (25,5%).

Nhóm chứng quyền "họ Vingroup" cũng đồng loạt giao dịch sôi động, đặc biệt sau khi nhóm nhà đầu tư do KKR đứng đầu, trong đó có cả Temasek đã chi ra 15.100 tỉ đồng (tương đương 650 triệu USD) để mua vào khoảng gần 6% cổ phần của Vinhomes.

Thị trường chứng quyền tuần - Ảnh 3.

Chứng quyền CHPG2009 ghi nhận lợi suất gần gấp đôi chỉ sau tuần giao dịch đầu tiên. Nguồn: HOSE.

Ở chiều ngược lại, nhiều chứng quyền quay đầu giảm sâu, dẫn đầu bởi CMSN2005 giảm 38,1% từ 2.100 đồng/cw xuống còn 1.300 đồng/cw. Nhiều mã khác cũng đánh mất hơn 30% giá trị như CMWG2006, CVPB2003, CVJC2002, CMBB2004 và CVIC2002.

Trong diễn biến khác, chứng quyền VIC cũng lao dốc bất chấp sự bứt phá của cổ phiếu VIC trong phiên cuối tuần. Cụ thể, chứng quyền CVIC2002 thuộc top10 giảm giá khi mất 20,8% từ 390 đồng/cw xuống còn 270 đồng/cw; chứng quyền CVIC2001 cũng giảm 2,6% xuống còn 1.140 đồng/cw.

Thị trường chứng quyền tuần - Ảnh 4.

Nhiều mã chứng quyền giảm trên 30% trong tuần qua. Nguồn: HOSE.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng

Với tâm lí giao dịch thận trọng, thanh khoản thị trường sụt giảm đáng kể trong tuần qua với khối lượng giao dịch đạt 35,8 triệu đơn vị, giảm 33,7% so với tuần trước; giá trị giao dịch cũng giảm 29,3% xuống 41,7 tỉ đồng.

Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục bán ròng gần 1 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1,19 tỉ đồng. Trong đó, khối này mua vào hơn 6 triệu đơn vị và bán ra hơn 7 triệu đơn vị, chiếm trên 17% tổng thanh khoản toàn thị trường.

Thị trường chứng quyền tuần - Ảnh 5.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 1 triệu đơn vị, tương đương gần 1,2 tỉ đồng trong tuần qua. Nguồn: HOSE.

Sơn Tùng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.