Thị trường chứng khoán đang béo phì, nhưng Tổng thống Trump không cho ăn kiêng trong năm bầu cử
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), hầu hết các thị trường chứng khoán chủ chốt hiện nay đều "chính thức" được định giá quá cao so với các tiêu chuẩn của 15 năm qua. Điều này đặc biệt đúng với phố Wall và một số thị trường ở châu Âu và châu Á (nhất là Ấn Độ và Thái Lan, ngoài ra còn Trung Quốc và những nước khác).
Phát hiện này của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có vẻ như là báo hiệu cho rằng bữa tiệc của thị trường chứng khoán sắp kết thúc. Tuy nhiên, Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã xác nhận rằng các ngân hàng trung ương đang quay trở lại việc nới lỏng tiền tệ, và điều này có nhiều khả năng sẽ giúp cho thị trường tiếp tục đi lên.
Kể cả những người không thực sự để tâm chú ý cũng có thể nhận thấy rằng thị trường chứng khoán đã quá tích cực, bất chấp chiến tranh thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Phân tích của IIF - hiệp hội của các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Washington - cũng đã xác nhận thực tế này.
IIF lưu ý: "Trong nhiều trường hợp, giá cổ phiếu theo thu nhập dự phóng đã quá cao so với mức trung bình của chúng trong dài hạn. Tại Mỹ, chỉ số P/E hiện nay (khoảng 20) cao hơn mức trung bình trong 15 năm (khoảng 16), và đã tăng mạnh chỉ tính riêng năm 2019. Chỉ có Ấn Độ đánh bại con số này, với giá tăng đột biến lên gấp 23 lần thu nhập."
Cũng theo cách tính này, Thái Lan được coi là nơi giá cổ phiếu được định giá quá cao thứ ba trên toàn thế giới. Định giá cổ phiếu tại Anh và các nước thuộc khu vực đồng Euro cũng cao hơn so với mức trung bình trong dài hạn.
Chứng khoán Indonesia, Malaysia và Philippines cũng khá đắt đỏ, chỉ có cổ phiếu tại Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ bị định giá thấp.
Dữ liệu của IIF cho thấy nhóm cổ phiếu công nghệ bỏ xa các lĩnh vực khác sau khi tăng mạnh vào năm ngoái, vượt khoảng một phần ba so với mức trung bình 15 năm của nhóm này. Ngược lại, cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu tài chính khác lại đang suy yếu, thấp hơn mức trung bình lịch sử.
Tờ SCMP cho rằng IIF đã đúng khi nhận xét: Các định giá đã trở nên "quá phù phiếm", và "[Một] con sóng kéo tất cả con thuyền lên cao". Ngoài ra, "Với việc giá chứng khoán Mỹ đạt các mức cao kỉ lục khi Washington và Bắc Kinh kí thỏa thuận thương mại giai đoạn một, các mức định giá tăng vọt lại phải được xem xét kĩ lưỡng.
Dù tình hình tài chính toàn cầu nhìn chung vẫn hỗ trợ cho giá cổ phiếu, thanh khoản vẫn là động lực chính, do triển vọng thu nhập của các công ty bị giảm xuống. Điều này đã gây ra lo ngại rằng định giá cổ phiếu đang ngày càng cao so với giá trị thực".
Nếu những lo ngại này khiến một số nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lí đau đầu, thì hầu hết các nhà đầu tư theo danh mục lại không hề lo lắng. Dù virus corona của Trung Quốc có thể đã khiến các thị trường giật mình đôi chút vào tuần trước (ngay cả tại các bữa tiệc với sâm panh và trứng cá muối ở Davos), nhưng các tỉ lệ kĩ thuật chỉ suy giảm nhẹ.
Tờ SCMP chỉ ra rằng trong Báo cáo Triển vọng kinh tế Thế giới mới nhất của IMF được công bố tuần trước, dự báo tăng trưởng kinh tế đã được điều chỉnh xuống thấp hơn so với từ tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, điều này cũng không khiến các nhà đầu tư chứng khoán thực sự bận tâm.
Các thị trường tài chính và nền kinh tế "thực" đã trở nên tách rời trong kỉ nguyên tín dụng mở rộng dường như vô tận.
IMF cho rằng "sự chuyển dịch qui mô lớn sang chính sách tiền tệ nới lỏng" sẽ có tác dụng thúc đẩy các thị trường chứng khoán. Một điểm đáng nói là ước tính tăng trưởng toàn cầu năm 2019 và dự báo năm 2020 của IMF "sẽ thấp hơn 0,5 điểm phần trăm mỗi năm nếu không có các nỗ lực kích thích tiền tệ".
Tâm lí thị trường thực sự cũng đã được thúc đẩy bởi những yếu tố mà IMF gọi là "dấu hiệu sơ bộ rằng hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu đang tới điểm chạm đáy trước khi tăng cao".
Nhưng IMF cũng lưu ý "Trong dữ liệu kinh tế vĩ mô toàn cầu mới chỉ có một vài dấu hiệu về bước ngoặt". Bằng chứng cho các dấu hiệu của sự phục hồi mới chỉ xuất hiện trong suy nghĩ hoặc các câu chuyện phiếm.
IIF đã tìm cách xoa dịu sự lạc quan quá độ này - hay còn gọi là "lạc quan tếu" tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos với những bình luận nghiêm túc về tổng số nợ toàn cầu - cao đến mức có thể ví với dãy Alps của Thụy Sĩ. IIF ước tính rằng nợ toàn cầu đang ở mức gần 253 nghìn tỉ USD, với tỉ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội đạt mức kỉ lục mới là 322%.
Trong khi đó, IMF tuyên bố: "Triển vọng về một giải pháp lâu dài đối với căng thẳng thương mại và công nghệ vẫn rất còn rất mơ hồ", mặc cho tuyên bố của Tổng thốngTrump về một thỏa thuận tuyệt vời với Trung Quốc. Và những rủi ro "có thể gây ra sự thay đổi nhanh chóng trong tâm lí tài chính, tái phân bổ danh mục đầu tư vào tài sản an toàn, và rủi ro tái cấp vốn gia tăng đối với chủ nợ của các chính phủ và doanh nghiệp rủi ro."
Những mối đe dọa kinh tế này có thể đang khiến ông Trump phải lo lắng. Christopher Wood, Giám đốc chiến lược cổ phiếu toàn cầu tại ngân hàng đầu tư Jefferies cho biết, nền kinh tế Mỹ rất mong manh với bản chất được thúc đẩy bởi tiêu dùng, và các khoản vay đã tăng lên đến mức cao hơn bao giờ hết.
Nhiều khả năng là Tổng thống Trump sẽ dựa vào Cục Dự trữ Liên bang để đẩy mạnh việc in tiền, nhằm giữ cho Phố Wall tiếp tục tăng trưởng và hỗ trợ nhiều khoản vay hơn trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020.
Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách sau khi tăng ba lần trong năm 2019. Fed còn ra tín hiệu cho biết sẽ duy trì lãi suất thấp để kích thích lạm phát.
Vì vậy, giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng cao và quá trình tạo tín dụng sẽ ngày càng được đẩy mạnh - nhưng cái gì đã đi lên đều sẽ phải đi xuống.