Thị trường cà phê có giữ được đà tăng mạnh trong năm 2017?
Thị trường cà phê có giữ được đà tăng mạnh trong năm 2017? Ảnh: ST. |
Thị trường cà phê năm 2016: Chênh lệch giá robusta và arabica ngày càng thu hẹp
Thị trường cà phê năm 2016 chịu tác động bởi hai yếu tố chính là, tình hình nguồn cung cà phê robusta và diễn biến tỷ giá USD/BRL.
Kể từ sau khi đạt đỉnh vào cuối năm 2014 - đầu năm 2015, thị trường cà phê thế giới liên tục trượt giá, nhưng cho đến quý II/2016 giá mặt hàng này bắt đầu phục hồi mạnh mẽ và lấy lại đỉnh giá của năm 2015 vào tháng 10.
Cụ thể, lo ngại thiếu hụt nguồn cung hạt cà phê robusta cùng với sự phục hồi của tỷ giá BRL/USD đã đẩy giá cà phê thế giới tăng mạnh trong tháng 10/2016, với giá cà phê trung bình của Hiệp hội Cà phê Quốc tế (ICO) lên cao nhất 21 tháng.
Trong đó xét cả năm 2016, giá cà phê robusta tăng mạnh tới 45% trong khi giá cà phê arabica chất lượng chỉ tăng 8,2% bởi nguồn cung arabica tại các nước sản xuất lớn vẫn rất khả quan. Kết quả là, chênh lệch giá giữa robusta và arabica ngày càng thu hẹp, thậm chí có những dự đoán hai loại hạt cà phê này sẽ sớm ngang giá.
Nguồn cung robusta thiếu hụt trầm trọng trong khi chênh lệch giá arabica - robusta ngày càng thu hẹp dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp sử dụng arabica thay thế cho robusta trong quá trình chế biến thành phẩm.
Diễn biến giá cà phê trung bình kể từ đầu năm 2015 đến cuối năm 2016. Nguồn: ICO. |
Liệu thị trường cà phê, đặc biệt là robusta, có duy trì được đà tăng mạnh trong năm 2017?
Trong báo cáo tháng 12/2016, ICO ước tính sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2016 - 2017 chỉ tăng rất nhẹ 0,1% so với niên vụ trước lên 151,6 triệu bao.
Trong đó, sản lượng arabica ước tăng 4,4% lên kỷ lục 93,5 triệu bao nhờ vụ mùa bội thu ở Brazil, Colombia và Honduras. Ngược lại, triển vọng nguồn cung robusta lại kém khả quan hơn khi các vựa trồng loại cà phê này phải hứng chịu đợt hạn hán khắc nghiệt hoặc mưa bất thường, gây ảnh hưởng đến quá trình ra hoa và phơi khô cà phê. Sản lượng robusta theo đó ước giảm 6% xuống còn 3,7 triệu bao.
Dựa trên tình hình nguồn cung như vậy, một số tổ chức, ngân hàng đã đưa ra dự báo cụ thể cho giá cà phê trong năm 2017.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế học ứng dụng (CEPEA)
Theo CEPEA, triển vọng không mấy lạc quan về nguồn cung cà phê tại Brazil sẽ giúp giá mặt hàng này duy trì được đà tăng trong năm 2017. Kể từ năm 2016, người mua trong nước đã lo ngại về khả năng nguồn cung cà phê sẽ tiếp tục giảm cho tới đầu năm 2018; và với kịch bản này, giá cà phê dự báo sẽ vẫn tăng ổn định trong dài hạn.
Trên thực tế, ngay cả khi chưa có con số ước tính chính thức về sản lượng cà phê niên vụ 2017 - 2018 của Brazil thì đã có những dấu hiệu cho thấy, sản lượng cà phê tại nước này chắc chắn sẽ giảm. Bởi, xét theo chu kỳ năm sản xuất của Brazil, năm 2017 sẽ là năm thất thu đối với arabica sau khi đã bội thu trong năm 2016. Mặt khác, các khu vực trồng cà phê lớn tại Brazil lại đang cắt giảm diện tích canh tác nên sản lượng giảm là điều tất yếu.
Đối với robusta, việc mưa trở lại tại một số vùng, đặc biệt là Espírito Santo, đang giúp khôi phục hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, sản lượng cà phê vẫn sẽ không được như kỳ vọng, bởi nhiều khu vực canh tác cà phê không thể hồi phục trong khi một số nơi đang nhổ bỏ gốc cây cà phê.
Xét về giá, sau một năm đầy biến động, các chuyên gia theo dõi thị trường đang rất lạc quan về giá arabica trong năm 2017 dựa trên ước tính sản lượng niên vụ 2017 - 2018 sẽ giảm 20 - 20% so với niên vụ trước.
Đối với cà phê robusta, giá sẽ duy trì ở mức cao như hiện tại, bởi nguồn cung loại hạt này sẽ chưa thể nhanh chóng tăng trở lại. Đồng thời, các hãng rang xay cà phê sẽ vẫn phải sử dụng arabica để thay thế trong quá trình chế biến.
Ngân hàng Commerzbank
Theo Commerzbank, thế giới sẽ chưa thể sớm thoát khỏi tình trạng thiếu hụt nguồn cung cà phê trong năm 2017. Bởi, trong niên vụ 2014 - 2015 và 2015 - 2016, thị trường cà phê đã lần lượt thâm hụt tới 2,7 triệu bao và 3,3 triệu bao, khiến lượng dự trữ từ các niên vụ trước đó cũng dần cạn kiệt. Vì vậy, rất có thể niên vụ 2016 - 2017 sẽ là niên vụ thứ 3 liên tiếp thế giới rơi vào tình trạng thâm hụt cà phê.
Triển vọng nguồn cung cà phê trong niên vụ 2016 - 2017 thậm chí còn u ám hơn các niên vụ trước do việc thất thu robusta tại nhiều nước sản xuất lớn trên thế giới trong niên vụ 2016 - 2017.
Commerzbank dự báo giá cà phê arabica - robusta trung bình trong năm 2017 Quý I/2017: 155 US cent/pound - 2.050 USD/tấn Quý II/2017: 150 US cent/pound - 2.000 USD/tấn Quý III/2017: 145 US cent/pound - 1.900 USD/tấn Quý IV/2017: 145 US cent/pound - 1.800 USD/tấn |
Điển hình là tại Brazil, cây cà phê đang trong giai đoạn nở hoa nhưng thời tiết khô hạn, nắng nóng vẫn tiếp diễn, đặc biệt là ở Espirito Santo. Trong khi đó ở Việt Nam, tiến độ thu hoạch cũng như chất lượng hạt cà phê đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt mưa ẩm bất thường và kéo dài từ cuối năm 2016 đến tận đầu năm 2017.
Ngược lại, với arabica, nguồn cung chắc chắn sẽ còn tăng mạnh hơn nữa bởi vụ bội thu tại cả Brazil và Colombia.
Theo đó, Commerzbank dự báo rằng, thị trường cà phê sẽ cân bằng nhất trong niên vụ 2017 - 2018. Tuy nhiên, thị trường cà phê sẽ mất cân bằng và rơi vào thâm hụt một lần nữa nếu Brazil lại thất thu cà phê trong niên vụ tới. Còn trong niên vụ hiện tại, vì dự trữ vẫn đang cạn dần nên thế giới chưa thể thoát khỏi tình trạng thiếu hụt cà phê.
Với những kịch bản như vậy, Commerzbank dự báo giá cà phê vẫn sẽ ở mức cao dù đôi khi sẽ biến động tăng - giảm thất thường theo diễn biến tỷ giá. Nếu đồng real của Brazil tiếp tục mất giá so với USD trong năm 2017, có thể do yếu tố trong nước hoặc do triển vọng Mỹ tăng lãi suất, giá cà phê chắc chắn sẽ giảm theo.
Kết quả sẽ tương tự nếu như Việt Nam bội thu vụ cà phê 2017 - 2018.
Công ty phân tích dữ liệu Focus Economics
Focus Economics dự đoán giá cà phê arabica năm 2017 Quý I/2017: 159 US cent/pound Quý II/2017: 161 US cent/pound Quý III/2017: 159 US cent/pound Quý IV/2017:165 US cent/pound |
Theo Focus Economics, giá cà phê sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm nay sau khi đã phá đỉnh giá 160 US cent/pound trong năm ngoái, bởi nguồn cung suy giảm tại các nước sản xuất lớn trong khi nhu cầu tiêu thụ của thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, lại tăng mạnh.
Điều kiện thời tiết bất lợi tại Brazil và Việt Nam đang kéo giảm triển vọng nguồn cung cà phê trên toàn cầu, đồng thời đẩy giá lên cao kỷ lục. Tính đến tuần trước, giá cà phê arabica đã lên đỉnh hơn một tháng trong khi giá robusta cũng lên cao nhất 4 năm rưỡi.
Công ty tài chính Sucden Financial
Trong năm 2016, đà tăng giá ấn tượng của cả robusta và arabica đã giúp cà phê trở thành một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong chỉ số hàng hóa của Bloomberg. Sucden Financial cho rằng, thay đổi trong xu hướng tiêu dùng là một trong những lý do khiến dân số thế giới tiêu thụ mạnh cà phê trong năm 2016.
Xét trong quan hệ cung - cầu, cầu cà phê có xu hướng tăng mạnh trong khi cung mặt hàng này lại bị gián đoạn, dẫn tới việc giá cả liên tục tăng mạnh trong dài hạn.
Đến cuối năm 2016, thị trường buộc phải điều chỉnh lại danh mục đầu cơ, dẫn tới làn sóng bán tháo mạnh đối với cà phê. Theo Sucden Financial, giá cà phê đã bị thổi phồng do tình trạng dư thừa thanh khoản trên thị trường và chiến thuật đầu cơ của giới giao dịch.
Sucden Financial dự báo rằng, giá cà phê có thể sẽ tăng mạnh lên 150 - 160 US cent/pound trong năm 2017, từ mức trung bình 140 US cent/pound của cuối năm ngoái. Các yếu tố cơ bản tác động đến giá cà phê sẽ không có nhiều thay đổi so với tháng 11/2016. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ lớn vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ giá cà phê cho tới tận năm 2018.
Đối với nguồn cung, sản lượng cà phê được dự báo sẽ tăng trở lại, giúp giảm bớt áp lực tăng giá trên thị trường cà phê. Sucden Financial dự báo rằng, giá cà phê sẽ giảm dần về cuối năm 2017.
Ngân hàng Rabobank
Theo tính toán sơ bộ của Rabobank, thế giới sẽ tiếp tục thâm hụt 2 triệu bao cà phê trong niên vụ 2017 - 2018 sau khi đã thâm hụt mặt hàng này trong 3 niên vụ liên tiếp (2014 - 2015, 2015 - 2016 và 2016 - 2017).
Theo kịch bản này của Rabobank, mức thâm hụt cà phê sẽ lên tới gần 10 triệu bao, gần tương đương lượng dự trữ 12,6 triệu bao tích trữ được từ hai niên vụ bội thu 2012 - 2013 và 2013 - 2014.
Rabobank dự báo giá cà phê arabica - robusta trung bình năm 2017 Quý I/2017: 157 US cent/pound - 2.070 USD/tấn Quý II/2017: 153 US cent/pound - 2.060 USD/tấn Quý III/2017: 152 US cent/pound - 2.040 USD/tấn Quý IV/2017: 149 US cent/pound - 2.040 USD/tấn |
Đối với arabica, Rabobank dự báo sản lượng arabica sẽ tăng mạnh trong niên vụ 2016 - 2017. Trong đó, sản lượng arabica của Peru dự báo tăng mạnh lên 4,7 triệu tấn. Ngoài ra, sản lượng arabica tại một số nước khác, như Colombia, Honduras, Mexico và Nicaragua cũng sẽ tăng thêm 1,7 triệu bao so với niên vụ trước.
Đối với robusta, khả năng nguồn cung tại Brazil phục hồi trong năm 2017 rất mong manh. Trong đó, Rabobank khẳng định rằng, sản lượng robusta tại Espirito Santo sẽ không thể phục hồi hoàn toàn.
Với những giả định như vậy, Rabobank ước tính, thị phần tiêu thụ robusta tại các nước không sản xuất loại cà phê này sẽ giảm từ 35,6% trong niên vụ 2015 - 2016 xuống còn 35,1% trong niên vụ 2016 - 2017 và 34% trong niên vụ 2017 - 2018.
Kết quả là, chênh lệch giá giữa arabica và robusta sẽ tiếp tục thu hẹp lại, đặc biệt là khi nguồn cung robusta ngày càng thiếu hụt trầm trọng trong khi nguồn cung arabica lại rất có sẵn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/