|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường bất động sản Khánh Hòa (Kỳ II): Những gam màu tối

08:44 | 28/03/2019
Chia sẻ
Thị trường bất động sản Khánh Hòa đang trải qua nhiều gam màu khác nhau. Trong đó, gam tối phải kể đến những sự vụ liên quan đến sai phạm và sự bùng nổ tranh chấp tại các dự án chung cư.

Thị trường bất động sản Khánh Hòa đang trải qua nhiều gam màu khác nhau. Trong đó, gam tối phải kể đến những sự vụ liên quan đến sai phạm và sự bùng nổ tranh chấp tại các dự án chung cư.

Thị trường bất động sản Khánh Hòa (Kỳ II): Những gam màu tối - Ảnh 1.

Rất nhiều dự án sai phạm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được chỉ rõ trong thời gian gần đây

Điểm mặt những dự án sai phạm

Trường hợp đầu tiên phải kể đến là dự án nhà ở xã hội Hoàng Quân, khi mà kết luận Thanh tra tỉnh Khánh Hòa được công bố hàng loạt sai phạm đã được liệt kê. Cụ thể, việc bán nhà ở xã hội mà Công ty Hoàng Quân thực hiện là trái với quy định của luật pháp hiện hành. Bởi khi chưa bàn giao nhà Công ty Hoàng Quân đã thu trên 76,9% giá trị căn hộ đối với 616 trường hợp, thậm chí có trường hợp công ty này đã thu tiền gần như đủ.

Bên cạnh đó, Công ty Hoàng Quân đã ký 11/203 trường hợp đặt cọc thuê nhà và thu tiền đặt cọc vượt quá 50% giá trị căn hộ cho thuê đối với nhà ở xã hội. Đáng chú ý, quá trình thanh tra cũng phát hiện thêm 7 trường hợp công ty Hoàng Quân bán căn hộ cho người nước ngoài và bán 4 căn hộ cho người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài.

Từ những sai phạm trên, thanh tra tỉnh đề nghị thu hồi dự án và yêu cầu công ty này hoàn trả tiền cho người mua đầy đủ, thanh toán tiền lãi phạt chậm tiến độ theo hợp đồng.

Ngoài ra, năm 2018 cơ quan quản lý cũng ban hành nhiều quyết định quan trọng: Thu hồi dự án đầu tư Khu nhà ở Hòn Thị (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang); Dừng hoạt động đưa bất động sản hình thành trong tương lai vào kinh doanh tại dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đồi Xanh (Marina Hill); Tạm dừng việc thi công xây dựng, không được giao dịch, ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú sau khi gây ra vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 4 người trong một gia đình thiệt mạng và nhiều căn nhà bị sập xảy ra vào sáng ngày 18/11; Thu hồi đất dự án Khu thương mại, dịch vụ và khách sạn Đông Hải; sai phạm của Dự án Tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa, Dự án Khu du lịch và nghỉ dưỡng Năm Sao Đại Lãnh…

Còn theo Ban quản lý KDL bán đảo Cam Ranh, KDL Bắc bán đảo Cam Ranh có 42 dự án, với tổng số vốn đã đăng ký là 25.198 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, chỉ có 2 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác; 2 dự án đi vào khai thác giai đoạn 1 và đang xây dựng giai đoạn 2; 3 dự án đi vào khai thác giai đoạn 1 và chưa xây dựng giai đoạn 2.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hoà, trong năm 2018, đơn vị đã thực hiện cấp, điều chỉnh và gia hạn giấy phép xây dựng cho 147 công trình. Qua thanh tra, kiểm tra, Sở tổng hợp có 6.435 công trình đang xây dựng, trong đó có 5.259 công trình có giấy phép, 330 công trình miễn giấy phép và 963 công trình xây dựng sai quy định.

Bùng nổ tranh chấp chung cư

Năm 2018 cũng là năm đánh dấu sự bùng nổ tranh chấp lên đến đỉnh điểm tại các dự án bất động sản. Tại tỉnh Khánh Hòa  không ít vụ kiện tụng, tranh chấp đã và đang diễn ra.

Cụ thể, nhiều nhà đầu tư căn hộ du lịch tại khách sạn Bavico Nha Trang (số 2, Phan Bội Châu, TP Nha Trang) đã nhiều lần kéo đến khách sạn đòi quyền lợi; đến trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa để gửi đơn tố cáo chủ đầu tư dự án, treo băng rôn "cầu cứu". Thế nhưng, thời gian qua, Công ty Bạch Việt vẫn chưa giải quyết xong tranh chấp về quyền lợi với nhà đầu tư căn hộ tại khách sạn này.

Ngoài ra, dự án Tòa nhà Hỗn hợp Trung tâm Thương mại – Nhà ở Quang Minh (Dự án cao ốc K-Homes) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Vật tư Nông nghiệp K-HOMES làm chủ đầu tư; dự án Dragon Fairy do Công ty cổ phần Cao Ốc 89 làm chủ đầu tư… cũng đang có khiếu nại, tranh chấp.

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thừa nhận việc xảy ra các khiếu kiện, tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân do nhiều nguyên nhân. Trong đó, rõ nhất là sự thiếu rõ ràng trong quy định pháp lý về quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Ở phân khúc lưu trú, mới đây Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã công bố 22 khách sạn tại thành phố Nha Trang và một khu du lịch không đảm bảo điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch. Trong danh sách vừa công khai có nhiều khách sạn lớn như: Khách sạn Dubai (số 04 Tôn Đản, P.Lộc Thọ, TP Nha Trang); khách sạn Euro Star (số 96A/6 Trần Phú, P.Lộc Thọ, TP Nha Trang); khu du lịch nghỉ mát Ninh Phước Wild Beach Resort&Spa (Ninh Tịnh, Ninh Phước, Ninh Hoà); Khách sạn Anrizon Hotel Nha Trang (Phạm Văn Đồng, Vĩnh Phước, Nha Trang); Lavender;  Bounjour; Trường Thịnh...

Mặc dù còn nhiều điểm tối, nhưng theo lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Nha Trang – Khánh Hòa, thị trường bất động sản Nha Trang – Khánh Hòa được đánh giá có nhiều tiềm năng, nguồn lực về mọi mặt, rất hấp dẫn cho các nhà đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, để thị trường phát triển đúng hướng đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác tham mưu sáng suốt của các cơ quan chức năng và sự đồng thuận, trách nhiệm cao, làm đúng luật của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, môi giới bất động sản.

Thị trường bất động sản Khánh Hòa: Một năm đầy sóng gióThị trường bất động sản Khánh Hòa: Một năm đầy sóng gió Bãi Dài – Cam Ranh về đâu trong cuộc tái cơ cấu du lịch Nha Trang – Khánh Hòa?Bãi Dài – Cam Ranh về đâu trong cuộc tái cơ cấu du lịch Nha Trang – Khánh Hòa? Khánh Hòa tìm nhà đầu tư cho Dự án nhà máy điện mặt trời 3.400 tỷ đồngKhánh Hòa tìm nhà đầu tư cho Dự án nhà máy điện mặt trời 3.400 tỷ đồng

Thục Uyên