|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường bất động sản 2017 khả năng lớn sẽ ‘đi ngang’

13:46 | 20/12/2016
Chia sẻ
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thị trường BĐS 2017 khả năng lớn sẽ “đi ngang” nếu quan hệ quốc tế không xuất hiện các điểm nóng và thị trường điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, tín dụng…

3 kịch bản cho thị trường BĐS năm tới

Tại Hội thảo "Triển vọng thị trường bất động sản 2017: Tác động chính sách", PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra cho thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam năm 2017.

thi truong bat dong san 2017 kha nang lon se di ngang
Theo PGS. TS. Trần Kim Chung, thị trường BĐS 2017 khả năng lớn sẽ “đi ngang” nếu quan hệ quốc tế không xuất hiện các điểm nóng và thị trường điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, tín dụng… (Ảnh: Linh Lê)

Kịch bản đầu tiên, thị trường tăng trưởng tốt hơn năm 2016, thậm chí bùng phát là điều nhiều người mong muốn nhất nhưng khả năng lớn sẽ không xảy ra, bởi các điều kiện để đạt được điều này cũng khó xuất hiện. Đó là kinh tế thế giới không có khủng hoảng và quan hệ quốc tế không xuất hiện điểm nóng…

Ngược lại, thị trường BĐS sẽ trầm lắng khi thế giới xảy ra các điểm nóng trong quan hệ quốc tế và kinh tế toàn cầu cùng suy giảm.

“Kịch bản có khả năng xảy ra lớn nhất là thị trường đi ngang. Nếu quan hệ quốc tế không xuất hiện các điểm nóng, đồng thời thị trường chủ động điều chỉnh tích cực về cơ cấu sản phẩm, tín dụng và lãi suất…” PGS. Trần Kim Chung nhận định.

Dự báo triển vọng thị trường BĐS Việt Nam năm 2017 và một vài năm tới, Phó Viện trưởng cho rằng, thị trường sẽ bớt nhiệt, quy mô sẽ giảm khá nhiều do việc đầu cơ suy hạn chế hơn.

BĐS sẽ phân hóa mạnh, chỉ một số dự án cục bộ có ưu thế tài chính, sản phẩm mới có thể tiêu thụ thuận lợi. Một số dự án đã triển khai sẽ được hoàn thành trong khi một số dự án chuẩn bị khởi công sẽ có thể bị đình hoãn. Phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ giá thấp khoảng 1 tỷ đồng sẽ là tâm điểm của thị trường trong giai đoạn tới.

Thị trường BĐS phát triển ổn định hơn và đi vào nhu cầu thực chất. Cơ cấu thị trường thay đổi theo hướng hướng nội, thực chất, có sự dịch chuyển từ phân khúc trung, cao cấp sang phân khúc trung bình thấp, ông Chung kết luận.

Nguồn vốn ngân hàng vào BĐS năm 2016 sẽ thu hẹp

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, tín dụng trong toàn hệ thống BĐS chiếm khoảng 10%. Tính đến tháng 9 năm nay, tín dụng BĐS tăng 8,5%, chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái (13,06%).

“Trước bối cảnh cho vay BĐS còn nhiều rủi ro, nhất là khi nợ xấu có xu hướng tăng, các ngân hàng đang hạn chế cung ứng vốn cho chủ đầu tư dự án nhưng vẫn ưu tiên cho các dự án có đầu ra tốt. Điều này giúp thanh lọc thị trường nhưng cũng tạo ra rủi ro cho cả thị trường BĐS và hệ thống ngân hàng”, ông Hà phân tích.

Đồng tình với quan điểm đó, PGS. Trần Kim Chung cho rằng, nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng cho thị trường sẽ bị thu hẹp, các ngân hàng thương mại hầu như không còn dư địa về nguồn vốn ngắn hạn theo quy định của ngân hàng nhà nước áp dụng từ tháng 1/2017, áp lực nợ xấu dự tính vào khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu. Cơ cấu tín dụng BĐS sẽ tiếp tục xu hướng tăng tỷ trọng đối với cầu và giảm đối với cung. Tỷ trọng tín dụng dành cho cầu là 62%, cung là 38%.

Về nguồn vốn FDI vào BĐS, ông Chung nói, nguồn vốn FDI đầu tư vào BĐS năm nay đạt khoảng 1.301 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. FDI đầu tư vào BĐS chiếm 10% tổng vốn FDI đăng ký trong năm 2016, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2015 (11,5%). Đến tháng 11, vốn FDI đăng ký đã giảm liên tiếp 3 tháng.

Đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, nguồn vốn FDI chảy vào BĐS năm 2016 không như kỳ vọng và giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên GS. TSKH. Nguyễn Mại vẫn đưa ra cái nhìn lạc quan, với 66 dự án gần 1 tỷ USD vốn đăng ký vào năm 2016, BĐS đứng thứ hai sau lĩnh vực chế tạo. Mặc dù con số đó thấp hơn năm 2015 nhưng nhìn chung các dự án có chất lượng hơn và tỷ lệ vốn FDI thực hiện cao hơn.

GS dẫn báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore đang dẫn đầu FDI vào thị trường địa ốc Việt Nam. Nhà đầu tư ngoại không chỉ tham gia vào phân khúc cao cấp như trước mà họ còn đẩy mạnh hợp tác phát triển dòng sản phẩm trung bình và nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân Việt Nam.

Linh Lê