|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường ảm đạm, giá dầu có thể chạm đáy 16 USD/thùng

06:58 | 05/07/2017
Chia sẻ
Nhà tư vấn tài chính độc lập Trần Khắc Minh dự báo nếu là trung hạn thì giá dầu vẫn đi xuống và sẽ tạo đáy ở 1 trong 3 mức 26, 19 và 16 USD/thùng và giá dầu cuối năm có thể là khoảng 32-35 USD/thùng.

Giá dầu thô giảm tới gần 20% kể từ năm 1998 tới nay, do sản lượng dầu của nhiều nước, dẫn đầu là Mỹ, Libya và Nigeria liên tục tăng. Cuối tuần trước, giá dầu tăng trở lại trước thông tin lần đầu tiên kể từ đầu năm nay, số lượng giàn khoan Mỹ giảm 2 giàn xuống còn tổng cộng 756 giàn và sản lượng khai thác cũng giảm 100.000 thùng/ngày xuống mức gần 9,3 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn tiếp tục phải chịu áp lực do sản lượng khai thác của Libya và Nigeria phục hồi sau quãng thời gian dài bị gián đoạn. Sản lượng khai thác của Libya gần chạm mức 1 triệu thùng/ngày, gần bằng so với mục tiêu mà Công ty Dầu khí Quốc gia nước này đề ra.

Tính từ đầu năm tới nay, giá dầu giảm tới trên 20%. Hồi đầu năm 2017, thị trường dầu thô khởi sắc khi giá liên tục tăng, có thời điểm lên tới hơn 57 USD/thùng sau khi OPEC và một số quốc gia xuất khẩu dầu khí khác dẫn đầu là Nga ký quyết định cắt giảm sản lượng khai thác 1,8 triệu thùng. Thỏa thuận này có hiệu lực kể từ tháng 1 và kéo dài đến hết tháng 6. Tuy nhiên, khi giá dầu thô liên tục đạt đỉnh thì Mỹ lại lợi dụng điều này để tăng cường khai thác dầu phiến, có lúc sản lượng lên tới gần 9,4 triệu thùng/ngày, gần bằng so với nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới là Ả-rập Saudi.

Ngay cả khi giá dầu giảm xuống dưới 50 USD/ thùng, Mỹ cũng không ngừng khai thác và xuất khẩu dầu. Thậm chí, hồi cuối tháng 6, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ lên kế hoạch giảm bớt các quy định và tăng cường xuất khẩu năng lượng của nước này vốn đang rất dồi dào như dầu thô, khí gas tự nhiên và than... ra toàn thế giới, tạo việc làm cho người Mỹ.

Trước diễn biến ảm đạm của thị trường dầu thô, nhiều người lo ngại nỗ lực của OPEC và một số quốc gia xuất khẩu dầu khí khác trong việc khắc phục dầu thừa trên thị trường và đẩy giá dầu lên trở nên vô tác dụng. Ngay cả khi họ kéo thỏa thuận cắt giảm thêm 9 tháng nữa thì điều này dường như là vô nghĩa khi giá dầu vẫn liên tục "đứt phanh".

Theo ông James Bevan, Giám đốc đầu tư CCLA giải thích: "Cứ lúc nào giá dầu tăng là Mỹ lại tăng cường bơm thêm dầu. Cùng lúc đó, hiện nay, nhu cầu dầu đang thấp hơn so với lượng cung trên thị trường và thấp hơn so với dự báo. Thêm vào đó, ngay cả trong nội bộ OPEC mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước cũng không đồng đều và chưa triệt để".

Theo chuyên gia phân tích Jasper Lawler cho rằng với tình hình như hiện tại OPEC cần cắt giảm sâu hơn nữa, trên mức 1,8 triệu thùng/ngày hoặc gia hạn thêm thời hạn cắt giảm. Tuy nhiên, ông Lawler cảnh báo điều này có thể khiến các nhà xuất khẩu dầu thô giảm nguồn thu trong khi thị phần lại rơi vào tay các quốc gia khác.

Nhà tư vấn tài chính độc lập Trần Khắc Minh cho rằng việc cắt giảm sản lượng chỉ có tác dụng ngắn hạn do công nghệ khai thác dầu đá phiến tiên tiến của Mỹ và Canada có thể lấp đầy bất kỳ "khoảng trống" về sản lượng nào mà OPEC và các quốc gia khác để lại do tuân thủ thỏa thuận cắt giảm. Với công nghệ khai thác này, chi phí sản xuất, khai thác giảm đi rất nhiều. Ngay cả khi giá dầu liên tục giảm nhưng họ vẫn có lời kéo theo OPEC đang mất dần thị phần.

Ông còn cho biết thêm, một nguyên nhân khác khiến giá dầu không thể phục hồi là do kinh tế toàn cầu phục hồi không được như mong đợi. Ngân hàng thế giới ước tính tăng trưởng kinh tế trong năm nay chỉ đạt 2,7% trong khi hồi đầu năm con số này là 3%.

Nhiều nhà đầu tư không mấy lạc quan trước tình hình giá dầu trong vòng ít nhất là 6 tháng tới mặc dù nhu cầu xăng dầu trong tháng 7 được dự báo sẽ đạt đỉnh giúp giảm trữ lượng dầu trên toàn thế giới. Hàng loạt các ngân hàng tuần trước đã cắt mức dự báo giá dầu cuối năm, cùng với đó, các nhà phân tích thuộc Ngân hàng Bank of America-Merrill Lynch hôm thứ Sáu tuần trước đã nhận xét thỏa thuận cắt giảm của OPEC là cả một sự thất bại to lớn.

Ông Minh dự báo nếu là trung hạn thì giá dầu vẫn đi xuống và sẽ tạo đáy ở 1 trong 3 mức 26, 19 và 16 USD/thùng và giá dầu cuối năm có thể ở mức 32-35 USD/thùng.

Nói về tác động của việc giá dầu thô liên tục tuột dốc, ông cho rằng các quốc gia nhập khẩu dầu thô ban đầu có thể được hưởng lợi nhưng sau đó chính nền kinh tế đó cũng bị suy thoái. Giá năng lượng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc kích thích tăng trưởng lạm phát lành mạnh. Đồng thời, khi giá dầu đi xuống cũng ảnh hưởng rất lớn đến các loại hàng hóa khác khiến giá của các mặt hàng này rất khó để hồi phục.

Đức Quỳnh