|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị phần bảo hiểm nhân thọ, mức cạnh tranh đã giảm nhiệt

07:45 | 17/12/2019
Chia sẻ
Thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2019 vẫn sôi động, nhưng không phải là những cuộc đua về thị phần.

Một năm qua, hầu hết hãng bảo hiểm đều tập trung thay đổi về “chất” từ thiết kế sản phẩm, phát triển ứng dụng công nghệ để tạo ra giá trị dịch vụ khách hàng tốt hơn. 

Mục tiêu thị phần (dù chưa bao giờ được các hãng bảo hiểm chính thức thừa nhận) đã không còn là tiêu chí số 1  trong chiến lược kinh doanh của nhiều công ty bảo hiểm.

Sự giảm tốc của những doanh nghiệp đầu tàu

Dù thị trường vẫn có những doanh nghiệp bảo hiểm giữ được tốc độ tăng trưởng khai thác mới 100% thậm chí gần 200% nhưng đó là những công ty bảo hiểm có thị phần còn nhỏ.

Những doanh nghiệp ở nhóm đầu chiếm hơn 60% thị phần của toàn khối hầu hết đã “giảm nhiệt” tăng trưởng từ cuối năm 2018, điển hình như Dai-ichi Life Việt Nam, hay Prudential…

Việc “giảm nhiệt” tốc độ tăng trưởng của Dai-ichi Life Việt Nam từ cuối quý II/2018 chưa ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng của cả thị trường trong năm 2018, nhưng có thể thấy rõ từ đầu năm 2019.

Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, phí bảo hiểm khai thác mới của thị trường 9 tháng năm 2019 tăng trưởng 17%. Cùng kỳ năm 2017, 2018, tăng trưởng doanh thu khai thác luôn đạt trên 30%.

Phí khai thác mới tăng trưởng chậm lại, nhưng tổng doanh thu phí thì vẫn tăng trưởng tốt do những năm trước, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới tăng rất cao.

9 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 74.477 tỷ đồng, tăng trưởng 24,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Số liệu từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho thấy, 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 74.477 tỷ đồng, tăng trưởng 24,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Ðây là năm thứ 5 liên tiếp thị trường bảo hiểm nhân thọ duy trì tốc độ tăng trưởng trên 20%.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này được dự báo sẽ chậm lại trong những năm tới vì nếu tốc độ tăng trưởng của doanh thu khai thác mới tiếp tục giảm mạnh thì tổng doanh thu phí bảo hiểm sẽ tăng chậm lại và còn có thể giảm mạnh vì có nhiều hợp đồng đến kỳ đáo hạn.

Tất nhiên, cùng với các "đàu tàu" buộc phải giảm tốc để tái cơ cấu thì việc tăng trưởng phí khai thác mới của khối nhân thọ chậm lại cũng có một số nguyên nhân khác như việc thay đổi chính sách thi tuyển đại lý, tuyển dụng giảm dẫn đến doanh thu phí mới cũng giảm, phí bảo hiểm khai thác mới đến từ kênh đại lý của thị trường bảo hiểm nhân thọ 9 tháng đầu năm nay chỉ tăng trưởng 5%.

Khai thác phí mới toàn khối tăng trưởng ở mức 17%, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng vượt bậc của kênh bancassurance, với mức tăng trưởng khoảng 66%.

Dù phí bảo hiểm khai thác mới từ đầu năm giảm về ngưỡng dưới 20%, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm không quá lo ngại và cho rằng đây là mức tăng trưởng phù hợp sau một giai đoạn tăng trưởng "nóng" với doanh thu phí mới trên 30%, thậm chí một số doanh nghiệp có thị phần chi phối còn đẩy doanh thu phí mới tăng trưởng gần 60% - mức tăng trưởng được nhìn nhận khá nguy hiểm đối với doanh nghiệp có thị phần lớn.

Chất lượng, không còn "biết rồi nói mãi"?

Việc giảm tốc để nhìn lại và điều chỉnh chính sách theo hướng phát triển bền vững hơn sau một thời gian tăng trưởng quá nóng là chiến lược cần thực hiện và thực tế tại thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có không doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chiến lược này.

"Việt Nam vẫn đang là thị trường mới nổi của bảo hiểm nhân thọ nên khả năng tăng trưởng còn rất lớn. Các doanh nghiệp sẽ tìm cách khơi thông lại thị trường, khai thác tiềm năng của dòng phí bảo hiểm mới. Nhưng tất nhiên, phần lớn các doanh nghiệp sẽ chú trọng hơn vào chất lượng tăng trưởng", CEO một công ty bảo hiểm nhìn nhận.

Thực tế, việc thay đổi phương thức thi tuyển đại lý khiến việc tuyển dụng mới khó khăn và số đại lý mới giảm (6 tháng tuyển dụng đại lý mới giảm 17%), do khó thi tuyển cũng buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải nhìn nhận lại phương thức đào tạo đại lý trước đây là dạy để thi đậu, chứ chưa thực sự chú trọng để thành người tư vấn giỏi.

Chưa kể, việc huấn luyện sau khi ký hợp đồng đại lý vẫn còn tiếp tục là một thách thức lớn.

Theo một chuyên gia trong ngành, thị trường bảo hiểm muốn phát triển chất lượng bền vững thì cần từng bước nâng cao trình độ đại lý và tăng cường khả năng tư vấn trực tiếp.

Mở kênh tuyển dụng đào tạo đại lý toàn thời gian cũng là một trong những bước đi ban đầu và cái nhìn dài hơi hơn của ngành bảo hiểm.

Ngoài ra, có một sự thay đổi khác rất dễ nhận thấy của toàn ngành bảo hiểm trong thời gian qua đó là việc ứng dụng công nghệ và có những chiến lược phát triển mới khi các startup Fintech và Insurtech xuất hiện.

Không chỉ việc bán các sản phẩm bảo hiểm ngày càng dễ dàng hơn, mà việc giải quyết khiếu nại bồi thường cho khách hàng ngày càng nhanh chóng.

Chẳng hạn, Manulife đã đưa ra quy trình bồi thường qua điện tử không cần cung cấp quá nhiều dữ liệu khách hàng, chỉ cần gửi chứng minh thư nhân dân và chụp hình và việc chuyển tiền bảo hiểm cho khách hàng hiện đang được hãng bảo hiểm thông qua ngân hàng với thời gian khoảng 1 - 2 ngày, tuy nhiên, Manulife dự kiến sẽ thực hiện quy trình thanh toán tự động cho khách hàng vào năm 2020.

Khi hệ thống mới triển khai thì sau khi ra quyết định bồi thường, khách hàng sẽ nhận tiền ngay trong vòng vài phút.

Theo ông Jetsura Vongvichien, phụ trách mảng bảo hiểm Khối Dịch vụ tài chính, SAP khu vực Ðông Nam Á, chúng ta đang chứng kiến những thay đổi trong chuỗi giá trị của ngành bảo hiểm.

"Các công ty bảo hiểm mới có chi phí vận hành tốt hơn, trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng sẽ tạosức ép cạnh tranh lớn lên các công ty bảo hiểm truyền thống", ông Jetsura Vongvichien chia sẻ tại "Diễn đàn quốc gia về bảo hiểm Việt Nam 2019" vừa diễn ra tại TP.HCM.

Một nghiên cứu của hãng bảo hiểm Prudential cũng cho thấy, có tới 57% khách hàng sẽ ngừng mua bảo hiểm công ty hiện tại nếu công ty khác có cùng sản phẩm, nhưng cho trải nghiệm tốt hơn; 67% khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm dịch vụ tốt…

Ðây là những con số đáng để các doanh nghiệp bảo hiểm phải quy ngẫm. Khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển thì quyền lựa chọn thuộc về khách hàng, nên đầu tư vào dịch vụ, sản phẩm để nâng cao trải nghiệm khách hàng là chiến lược tối quan trọng của mỗi công ty bảo hiểm và đó cũng là chiến lược cần thực hiện quyết liệt.

Chia sẻ trong chuyến viếng thăm Việt Nam mới đây ông Nic Nicandrou, Tổng giám đốc điều hành của Prudential châu Á nói rằng, mục tiêu của hãng bảo hiểm này là mang đến giải pháp chăm sóc sức khỏe với mức giá hợp lý và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người tại châu Á.

Và cùng với xu hướng tiêu dùng hiện nay, Prudential sẽ tiếp tục thực hiện điều này thông qua các thiết bị di động và các kênh kỹ thuật số khác.

"Chìa khóa để đạt được những mục tiêu này chính là công nghệ di động, việc ứng dụng công nghệ và cung cấp dịch vụ thông qua các ứng dụng hiện đang lan rộng khắp châu Á, bao gồm cả Việt Nam", ông Nic Nicandrou nhấn mạnh.

Lan Ngọc

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.