|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thép Đà Nẵng rời sàn theo ý chí cổ đông lớn nhất, công ty nhà nước phản đối bất thành khi hẹp cửa thoái vốn

07:00 | 28/06/2021
Chia sẻ
Quyết định hủy tư cách đại chúng của Thép Đà Nẵng vấp phải sự phản đối của TCT Thép Việt Nam (Mã: TVN). Quyết định rời sàn của công ty ảnh hưởng đến phương án thoái vốn nhà nước của TCT Thép Việt Nam.

Ý chiến trái chiều của hai cổ đông lớn nhất trong việc hủy tư cách đại chúng

Thông tin hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM mới đây của Thép Đà Nẵng (Mã: DNS) thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Trước khi quyết định này được đưa ra, cổ phiếu DNS có nhịp tăng giá phi mã trên sàn. Lý do hủy đăng ký giao dịch là công ty hủy tư cách công ty đại chúng.

Như vậy, công ty thép này chính thức rời khỏi sàn chứng khoán sau hơn 10 năm kể từ khi lên UPCoM vào năm 2010. Tháng 4/2010, gần 6 triệu cổ phiếu DNS được giao dịch trên UPCoM.

Việc hủy tư cách công ty đại chúng của Thép Đà Nẵng được thông qua tại đại hội cổ đông thường niên năm nay. Đáng chú ý, tờ trình này vấp phải ý kiến phản đối từ cổ đông lớn thứ hai của công ty là Tổng công ty Thép Việt Nam (Mã: TVN).

Cụ thể, trong số 21,11 triệu cổ phần tham gia biểu quyết có 14,38 triệu cổ phần đưa ý kiến tán thành với tờ trình hủy tư cách công ty đại chúng, chiếm 68,12% cổ phần biểu quyết dự họp. Ngược lại, 31,88% cổ phần biểu quyết không tán thành. Số lượng cổ phần biểu quyết không tán thành đúng bằng lượng cổ phiếu do TCT Thép Việt Nam sở hữu (6,73 triệu cp).

Thép Đà Nẵng rời sàn theo ý chí cổ đông lớn nhất, công ty nhà nước phản đối bất thành khi hẹp cửa thoái vốn - Ảnh 1.

TCT Thép Việt Nam phản đối tờ trình hủy tư cách công ty đại chúng của Thép Đà Nẵng. Ảnh: Nhã Vy.

Theo điều lệ, tờ trình được thông qua nếu như đạt tỷ lệ biểu quyết tán thành đạt trên 65% cổ phần biểu quyết dự họp. Trong cơ cấu cổ đông Thép Đà Nẵng, Công ty TNHH Thép An Hưng Tường là cổ đông lớn nhất sở hữu 14,25 triệu cp, tương đương gần 66% vốn điều lệ.

Về lý thuyết, tờ trình hủy tư cách công ty đại chúng là ý chí cổ đông lớn Thép An Hưng Tường. Khi cổ đông lớn này biểu quyết tán thành, chắc chắn tờ trình sẽ được thông qua và tiếng nói TCT Thép Việt Nam không có ý nghĩa.

Tại ngày 4/5/2021, Thép Đà Nẵng có 160 cổ đông. Như vậy, ngoài hai tổ chức trên, Thép Đà Nẵng còn có hàng trăm cổ đông khác.

Theo tìm hiểu, TCT Thép Việt Nam từng là cổ đông lớn nhất của Thép Đà Nẵng khi doanh nghiệp này lên sàn. Tỷ lệ sở hữu của Thép Việt Nam tại ngày 31/12/2009 là 30%. Hai cổ đông lớn khác là ông Nguyễn Bảo Giang (sở hữu 22,14%) và bà Huỳnh Thị Quỳnh Thư (vợ ông Giang, sở hữu 10,14%).

Tháng 6/2018, ông Nguyễn Bảo Giang chuyển nhượng phần lớn cổ phiếu cho công ty do ông Giang làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên là Công ty TNHH Thép An Hưng Tường. Trong tháng 5 vừa qua, một công ty khác do ông Giang làm chủ tịch là Công ty TNHH Nhân Lạc bán ra toàn bộ 18.000 cổ phiếu DNS.

Thoái vốn tại Thép Đà Nẵng "hẹp cửa"?

Trở lại câu chuyện rời sàn chứng khoán của Thép Đà Nẵng, quyết định này đồng nghĩa với việc khả năng thoái vốn của TCT Thép Việt Nam tại công ty liên kết này cũng "hẹp cửa".

Nếu như Thép Đà Nẵng trên sàn, TCT Thép Việt Nam sẽ có thêm phương án thoái vốn thông qua bán khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Việc không giao dịch trên sàn cũng đồng nghĩa sẽ mất đi một cơ sở để tham chiếu khi bán vốn đó là thị giá trên sàn của cổ phiếu.

Năm 2016, TCT Thép Việt Nam từng lên phương án thoái toàn bộ hơn 6,73 triệu cổ phần của Thép Đà Nẵng với mức giá khởi điểm 8.800 đồng/cp và không thấp hơn mức giá sàn của cổ phiếu DSN tại ngày chuyển nhượng. Tuy nhiên, hoạt động thoái vốn đã bất thành.

Trên báo cáo tài chính của TCT Thép Việt Nam, giá gốc khoản đầu tư vào Thép Đà Nẵng là 71,642 tỷ đồng, tương đương bình quân 10.645 đồng/cp, thấp hơn đáng kể thị giá 22.500 đồng/cp tại ngày 25/6.

Kết quả kinh doanh của Thép Đà Nẵng. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Thép Đà Nẵng rời sàn khi kinh doanh bắt đầu khởi sắc, thoát lỗ lũy kế

Trở lại câu chuyện rời sàn chứng khoán của Thép Đà Nẵng, quyết định được đưa ra khi doanh nghiệp đang có những tín hiệu tốt trong kết quả kinh doanh. Sau khái báo lỗ sau thuế 46 tỷ đồng năm 2019, Thép Đà Nẵng lãi 5,4 tỷ đồng trong năm 2020. Doanh thu của công ty năm ngoái đạt 1.403,3 tỷ đồng, tăng 41,6% so với năm 2019.

Trong quý đầu năm nay, Thép Đà Nẵng ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 40 tỷ đồng. Kết quả là công ty thoát khỏi tình trạng lỗ lũy kế. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/3/2021 là gần 5 triệu đồng.

Hoàng Linh

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.