|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thế hệ 'mất mát' đe dọa nền kinh tế Nhật Bản

21:45 | 08/08/2024
Chia sẻ
Thế hệ “mất mát” (những người ở độ tuổi 40, đầu 50) ở Nhật Bản đang tụt hậu so với những người trẻ tuổi và những người lớn tuổi hơn về mức lương và thăng tiến nghề nghiệp.

Du khách tham quan và mua sắm trên một con phố ở Yokohama, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Thế hệ “mất mát” (những người ở độ tuổi 40, đầu 50) ở Nhật Bản đang phải vật lộn với một thực tế nghiệt ngã là họ đang tụt hậu so với cả những người trẻ tuổi và những người lớn tuổi hơn về mức lương và thăng tiến nghề nghiệp.

Đây là thế hệ tốt nghiệp cấp ba hoặc đại học trong giai đoạn khủng hoảng việc làm kéo dài từ cuối những năm 1990 đến những năm 2000. Nhiều người trong thế hệ này gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm ổn định sau khi bong bóng kinh tế bị vỡ vào những năm 1980 bởi giá bất động sản và chứng khoán tăng phi mã.

Mặc dù mức lương trung bình của Nhật Bản bắt đầu tăng lên, nhưng dữ liệu cho thấy vẫn có sự chênh lệch đáng kể giữa các nhóm tuổi. Lạm phát ở Nhật Bản duy trì trên mức 2% trong hơn hai năm giữa áp lực tăng giá trên toàn cầu.

Theo khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, tổng thu nhập tiền mặt hàng tháng, hay lương danh nghĩa, đã tiếp tục tăng hàng năm kể từ tháng 1/2022.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát khác của Bộ này cho thấy mức lương trung bình hàng tháng của người lao động toàn thời gian từ 20 đến 30 tuổi tăng hơn 10.000 yen (65 USD) trong thập kỷ này đến năm 2023, trong khi mức lương của những người lao động độ tuổi cuối 40 tăng chỉ hơn 1.000 yen và những người độ tuổi đầu 50 lại giảm.

Một nhân viên khoảng 40 tuổi của một công ty xuất bản ở Tokyo cho biết người này đã rất bận rộn chỉ để kiếm sống khi là một nhân viên không chính thức ở tuổi 30. Một người khác cùng độ tuổi cho biết người này có tiền thưởng rất thấp và tăng lương chậm khi bắt đầu làm việc. Khi 25 tuổi, thu nhập hàng năm của người này ít hơn khoảng 1 triệu yen so với những người cùng độ tuổi hiện nay.

Trong thời kỳ “đóng băng” việc làm, những người trẻ may mắn tìm được việc làm toàn thời gian thường phải đối mặt với những thách thức trong việc thăng tiến nghề nghiệp, chủ yếu là do những người lao động lớn tuổi được tuyển dụng trong thời kỳ bong bóng kinh tế đã vững chắc trong vị trí của họ. Xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu gần đây càng làm trầm trọng thêm tình hình.

Theo Bộ Lao động, trên thực tế, trong thập niên qua, tỷ lệ người ở độ tuổi đầu 50 giữ chức vụ quản lý cấp cao giảm 1,7 điểm phần trăm. Sự thay đổi này tương ứng với mức tăng tỷ lệ do thế hệ trẻ hay người lớn tuổi hơn nắm giữ.

Tỷ lệ người lao động độ tuổi đầu 60 nắm giữ các chức vụ quản lý cấp cao tăng 0,9 điểm phần trăm, còn đối với người lao động đầu 30 tăng 0,1 điểm phần trăm.

Nhiều người thuộc thế hệ “đóng băng” việc làm cũng có kinh nghiệm làm việc hạn chế, qua đó làm hạn chế cơ hội luân chuyển việc làm giữa chừng.

Theo khảo sát của Bộ Lao động về xu hướng việc làm, đối với nam giới lao động độ tuổi cuối 40, tỷ lệ chuyển việc là 5,4%, thấp hơn 2,3 điểm phần trăm so với những người cùng độ tuổi cuối 30.

Trong khi 40% người lao động từ 20 đến 30 tuổi được tăng lương sau khi chuyển việc, tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 30% đối với những người thuộc thế hệ “đóng băng”.

Đối mặt với tình trạng thiếu lao động, các doanh nghiệp Nhật Bản đã vội vàng cải thiện điều kiện làm việc để thu hút nhân tài mới và giữ chân nhân viên hiện tại. Tuy nhiên, nỗ lực này dường như đã “không bao gồm” nhiều người lao động thuộc thế hệ “đóng băng”.

Nhà kinh tế trưởng Toshihiro Nagahama của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life giải thích nhiều nhà tuyển dụng dường như ngần ngại tăng lương cho những nhân viên thế hệ “đóng băng” với giả định rằng những người lao động này ít có khả năng chuyển việc hơn.

Việc tích góp tài sản có thể khó khăn đối với nhiều người trong những điều kiện như vậy. Dữ liệu của Hội đồng Trung ương Thông tin Dịch vụ Tài chính cho thấy tỷ lệ lao động ở độ tuổi 40 có tài sản tài chính dưới 1 triệu yen tăng hơn gấp đôi từ năm 2003 đến năm 2023, đạt 14%.

Nhà kinh tế trưởng Yusuke Shimoda tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản cho biết họ có thể phải đối mặt với "một cuộc nghỉ hưu đầy thách thức" trừ khi có biện pháp khắc phục.

Trong các công ty Nhật Bản, những lợi ích truyền thống như việc làm trọn đời không còn được đảm bảo. Nếu không có những kỹ năng cần thiết cho số hóa và các công việc văn phòng tiên tiến khác, những người thuộc thế hệ “đóng băng” có nguy cơ bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn mà họ không nhận được tăng lương hoặc thăng tiến.

Trong khi đó, số người thu nhập thấp gia tăng có thể ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống phúc lợi xã hội của quốc gia. Do thu nhập thấp hơn, những người này đóng góp ít hơn cho phúc lợi công thông qua việc giảm phí bảo hiểm chăm sóc y tế và điều dưỡng. Sự mất cân bằng này nhấn mạnh mối quan tâm về sự chênh lệch giữa lợi ích nhận được và đóng góp.

Hơn nữa, nhiều người thuộc thế hệ “mất mát” không thể kết hôn do hạn chế kinh tế. Các chuyên gia cảnh báo rằng những người lớn tuổi chưa kết hôn thường phải đối mặt với sự cô lập và nguy cơ sức khỏe cao hơn.

Khoảng 20% dân số Nhật Bản thuộc thế hệ “đóng băng”, vì vậy việc nâng cao năng suất của họ là rất quan trọng đối với nền kinh tế.

Minh Hằng

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 07/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9.