Thế giới nợ Trung Quốc bao nhiêu tiền?
Theo Harvard Business Reviews (HBR), khi vai trò của Trung Quốc trong chuỗi thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng, tạo ra phân cực chính trị, ảnh hưởng của quốc gia này đối với nền tài chính quốc tế vẫn còn mơ hồ, chủ yếu do thiếu dữ liệu và minh bạch.
Trong hai thập kỉ qua, Trung Quốc đã trở thành một chủ nợ toàn cầu với các 'yêu sách' đặc thù, hiện chiếm hơn 5% GDP toàn cầu.
Nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia kinh tế Havard cho thấy Trung Quốc dần mở rộng hoạt động cho vay với nhóm nước đang phát triển. Việc cho vay một cách có hệ thống của quốc gia này tạo ra một vấn đề về nợ ẩn hay nợ ngầm.
Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia vay nợ và các tổ chức quốc tế không thể có được bức tranh toàn cảnh về việc tổng số tiền thế giới đang nợ Trung Quốc cũng như các điều kiện thanh toán và lãi suất.
Theo HBR, chính quyền Trung Quốc và các công ty con đã cho vay khoảng 1,5 nghìn tỉ USD trực tiếp và tín dụng thương mại cho hơn 150 quốc gia trên toàn cầu. Điều này đã biến Trung Quốc thành chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới, vượt qua các công ty cho vay truyền thống và chính thức như Ngân hàng Thế giới, IMF hay tất cả các chính phủ chủ nợ của OECD gộp lại.
Dù qui mô cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc đang bùng nổ, không có dữ liệu chính thức nào về dòng nợ và cổ phiếu. Quốc gia này không báo cáo về các khoản cho vay quốc tế và điều này khiến cho nhiều tổ chức thu thập dữ liệu truyền thống đang gặp khó khăn khi tìm hiểu về nền tài chính của quốc gia này.
Các tổ chức xếp hạng tín dụng, chẳng hạn như Moody's, hoặc Standard & Poor hay Bloomberg thường tập trung vào các chủ nợ tư nhân, nhưng người cho vay lớn của Trung Quốc lại đến từ phía Nhà nước và họ không công bố dữ liệu này.
Nợ ẩn và rủi ro tiềm tàng
Ngoài những tác động dễ thấy của nợ ngầm, Trung Quốc đang khiến cái nhìn về khu vực nhà nước và tư nhân bị sai lệch theo ba cách. Đầu tiên, quá trình giám sát chính thức bị cản trở khi một quốc gia lớn không minh bạch về tài chính. Việc đánh giá khả năng trả nợ và rủi ro tài chính quốc tế cũng kém chính xác hơn.
Thứ hai, khu vực tư nhân sẽ đánh giá sai các hợp đồng nợ như trái phiếu có sở hữu, nếu không nắm được khoản nợ chính xác của chính phủ. Vấn đề này trở nên trầm trọng hơn bởi thực tế là nhiều khoản vay chính thức của Trung Quốc có các điều khoản thế chấp cho phép họ được ưu tiên trong trường hợp có vấn đề trả nợ. Do đó, các nhà đầu tư tư nhân và các chủ nợ cạnh tranh khác có thể đánh giá thấp rủi ro vỡ nợ khi tiến hành khiếu nại.
Và thứ ba, các nhà dự báo về hoạt động kinh tế toàn cầu, những người không biết về sự đột biến và dừng hoạt động cho vay của Trung Quốc đã bỏ lỡ một yếu tố xoay vòng quan trọng ảnh hưởng đến tổng cầu toàn thế giới.
Sự gia tăng cho vay trong những năm 1970 là một bài học kinh điển. Các nước thu nhập thấp nhưng giàu tài nguyên nhận được lượng lớn các khoản vay ngân hàng hợp vốn từ Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản.
Chu kì cho vay đó kết thúc bằng khủng hoảng giá cả hàng hóa và tăng trưởng kinh tế sụt giảm. Hàng chục quốc gia đang phát triển rơi vào tình trạng vỡ nợ không lâu sau đó.
Một chủ nợ đặc biệt
Dữ liệu của nhóm nghiên cứu cho thấy hầu hết khoản cho vay của Trung Quốc đều do chính phủ và các tổ chức chính phủ như doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng nhà nước thực hiện.
Sự bùng nổ cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc rất khác biệt so với dòng vốn từ Mỹ hoặc Châu Âu, phần lớn do tư nhân thực hiện. Trung Quốc có xu hướng cho vay theo các điều khoản thị trường, nghĩa là với lãi suất gần với lãi suất của thị trường vốn tư nhân.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới thường cho vay với lãi suất ưu đãi, dưới mức sàn thị trường và kì hạn dài hơn. Ngoài ra, nhiều khoản vay của Trung Quốc yêu cầu tài sản thế chấp, đồng nghĩa với việc các khoản trả nợ được đảm bảo bằng các khoản thu như nguồn tiền từ xuất khẩu hàng hóa.
Trong những năm 1950 và 1960, khi cho các nước khác vay tiền, kinh tế Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ GDP thế giới. Do đó, việc cho vay của quốc gia này ít hoặc không ảnh hưởng đến mô hình dòng vốn toàn cầu. Nhưng ngày nay, khoản vay của Trung Quốc đã trở nên đáng kể.
Về phía các nước đi vay, nợ đang tích lũy rất nhanh. Trong 50 nước đang phát triển là con nợ chính của Trung Quốc hiện nay, số nợ đã tăng từ mức dưới 1% GDP quốc gia năm 2005 lên hơn 15% trong năm 2017.
Hàng loạt các quốc gia này nợ ít nhất 20% GDP danh nghĩa đối với Trung Quốc (Djibouti, Tonga, Maldives, Cộng hòa Congo, Kyrgyzstan, Campuchia, Nigeria, Lào, Zambia, Samoa, Vanuatu và Mông Cổ).
Đáng chú ý, phân tích của các chuyên gia cho thấy 50% khoản vay của Trung Quốc tới các nước đang phát triển không được báo cáo chính thức. Điều này có nghĩa là các món nợ này không xuất hiện trong nguồn dữ liệu tiêu chuẩn do Ngân hàng Thế giới, IMF hoặc các tổ chức xếp hạng tín dụng cung cấp. Khoản cho vay không được báo cáo chính thức từ Trung Quốc đã tăng lên hơn 200 tỉ USD tính đến năm 2016.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang gặp hàng loạt thiệt hại do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19, việc đánh giá được dữ liệu này là một phần quan trọng trong hoạch định chiến lược phục hồi kinh tế cho các quốc gia đang phát triển vốn bị ảnh hưởng nhiều bởi quốc gia này như Việt Nam.