Thấy gì khi ngày càng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp thao túng giá cổ phiếu
Thông tin mới đây được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm là việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC (Mã: FLC) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “thao túng thị trường chứng khoán”, “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” diễn ra vào đầu tháng 1.
Trong hơn 20 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến không ít vụ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt với hành vi thao túng giá cổ phiếu. Tuy nhiên, một thực trạng đáng lưu tâm là ngày càng xuất hiện nhiều hơn những vụ mà chính lãnh đạo những doanh nghiệp tham gia “làm deal” để “lái” cổ phiếu lên.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, trong vụ thao túng giá cổ phiếu FLC, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Chứng khoán BOS (Mã: ART) và các công ty con sử dụng 20 tài khoản của 11 tổ chức để thao túng giá.
Theo tìm hiểu, Chứng khoán BOS là công ty liên quan hệ sinh thái Tập đoàn FLC, cũng là nơi em gái ông Trịnh Văn Quyết là bà Trịnh Thị Thúy Nga giữ vai trò Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc.
Trở lại với vấn đề đặt ra là ngày càng xuất hiện nhiều hơn hành vi thao túng giá cổ phiếu của các lãnh đạo. Cuối tháng 1/2022, Bộ Công an hoàn tất điều tra và bắt giam ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Giám đốc của Công ty ASA về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu tăng khống 7 triệu cổ phiếu ASA để bán và thu tiền bất chính. Bên cạnh đó, cơ quan cảnh sát điều tra cũng điều tra về hành vi tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu ASA.
Tháng 5/2020, vụ bà Phạm Thị Hinh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (Mã: KSA) và các đồng phạm thao túng giá cổ phiếu của chính công ty được đưa ra xét xử. Để thao túng giá cổ phiếu KSA, bà Phạm Thị Hinh và ông Nguyễn Anh Tuấn (nhân viên Chứng khoán Maritime, hiện là Chứng khoán KB Việt Nam) sử dụng hàng chục tài khoản mua bán tạo cung cầu.
Cũng giống như vụ FLC, dấu ấn trong vụ thao túng giá cổ phiếu KSA đó là việc cá nhân có liên quan đến công ty chứng khoán. Bà Phạm Thị Hinh từng là Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán VSM.
Trước đó, nhóm của Trần Hữu Tiệp, nguyên Chủ tịch HĐQT của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung - MTM) và 14 đồng phạm đã bị đưa ra xét xử về hành vi thao túng giá chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và giả mạo trong công tác.
Đó là những sự vụ nổi bật được khởi tố liên quan đến hành vi thao túng giá cổ phiếu. Tuy vậy, như đã nêu khi quan sát trong 3 năm gần đây, thị trường xuất hiện nhiều hơn những vụ việc lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp liên quan đến hành vi thao túng giá cổ phiếu.
Các vụ thao túng này không xác định số lợi bất hợp pháp nên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định xử phạt nhiều trăm triệu đến hàng tỷ đồng với các cá nhân và tổ chức tham gia thao túng.
Đơn cử, đầu tháng 9/2021, ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương bị xử phạt 1,2 tỷ đồng khi sử dụng 50 tài khoản để thao túng giá cổ phiếu FTM. Ông Lê Mạnh Thường chính là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Mã: FTM).
Về mức xử phạt và thu lợi bất chính lên đến hàng tỷ đồng, tháng 9/2020, UBCKNN yêu cầu ông Hoàng Đức Thuận nộp lại số tiền tư lợi bất hợp pháp 3,3 tỷ đồng từ hành vi thao túng giá cổ phiếu DST của CTCP Đầu tư Sao Thăng Long.
Cũng trong năm 2020, Tập đoàn Tân Thành Đô và ông Ngô Văn Cường bị xử phạt lần lượt 1,2 tỷ đồng và 550 triệu đồng khi sử dụng 22 tài khoản để thao túng giá cổ phiếu CTF của CTCP City Auto. Ở thời điểm bị xử phạt, Tập đoàn Tân Thành Đô là cổ đông lớn nhất sở hữu 13,3% vốn điều lệ của City Auto.
Tháng 5/2020, bà Nguyễn Thanh Loan bị xử phạt 550 triệu đồng với việc sử dụng 5 tài khoản để thao túng giá cổ phiếu DTL của CTCP Đại Thiên Lộc. Bà Nguyễn Thanh Loan chính là con gái của ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Đại Thiên Lộc.
Tháng 6/2019, UBCKNN xử phạt hành chính 660 triệu đồng với bà Hoàng Thị Hoài (sinh năm 1983) về việc sử dụng 42 tài khoản để thao túng giá cổ phiếu PIV. Bà Hoài từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP PIV và nắm giữ lượng lớn cổ phiếu.
Từ những sự vụ trên để thấy một vấn đề đáng báo động khi những vị lãnh đạo doanh nghiệp là người hiểu biết rõ nhất về nơi họ đang điều hành quản lý lại tham gia “lái” giá cổ phiếu. Nếu thực trạng này không sớm dứt điểm, sự minh bạch của thị trường chứng khoán có lẽ khó đảm bảo, niềm tin của nhà đầu tư khó mà giữ được.