|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thay đổi đề xuất giờ làm việc vào giờ chót

12:02 | 17/05/2019
Chia sẻ
Dự thảo Luật lao động (sửa đổi) sẽ được đưa ra trình Quốc hội. Tuy nhiên chỉ còn chưa đầy 72 giờ trước khi Quốc hội khai mạc, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã quyết định thay đổi đề xuất giờ làm việc trong cả nước.
Thay đổi đề xuất giờ làm việc vào giờ chót - Ảnh 1.

Sau khi công bố dự thảo Luật lao động, rất nhiều đơn vị đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo luật - Ảnh: Đ.BìNH

Đây là điều khá bất ngờ vừa được Bộ Lao động - thương binh và xã hội quyết định điều chỉnh một số nội dung của tờ trình sửa đổi Luật lao động theo hướng tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội.

Dự thảo Luật lao động (sửa đổi) sẽ được đưa ra trình Quốc hội trong mấy ngày tới (khai mạc 20-5). Tuy nhiên chỉ còn chưa đầy 72 giờ trước khi trình Quốc hội, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã quyết định điều chỉnh. Nổi bật nhất là việc thay đổi đề xuất về giờ làm việc trong cả nước.

Cụ thể, ở tờ trình Bộ trưởng Bộ Lao động - thương bình và xã hội Đào Ngọc Dung vừa ký sáng 17-5 thì phương án 1 được sửa lại như sau: "Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước".

Đối với cơ quan nhà nước cấp trung ương và các đô thị lớn là từ 8h30-17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

Đối với cơ quan nhà nước ở địa phương thì thống nhất giờ làm việc mùa hè và mùa đông theo điều kiện địa lý.

Phiên bản mới về dự thảo tờ trình vẫn giữ nguyên phương án 2 như ở phiên bản cũ được công bố vào hôm 28-4: "Giữ nguyên quy định giờ làm việc như hiện hành. Thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do chủ tịch UBND tỉnh quyết".

Theo ông Nguyễn Thanh Phúc, trưởng phòng truyền thông Bộ Lao động - thương binh và xã hội, sau gần 20 ngày công bố tờ trình dự thảo sửa đổi Luật lao động năm 2012, cơ quan này đã nhận được nhiều ý kiến góp ý về 6 nội dung lớn, như: điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, tăng khung giờ làm thêm, thống nhất giờ làm việc trong cả nước, bổ sung ngày nghỉ lễ, không nghỉ bù dịp Tết Nguyên đán.

Trong đó, giờ làm việc của các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong cả nước là một trong số các đề xuất nhận được nhiều ý kiến góp ý xây dựng của các bộ, ngành địa phương và dư luận xã hội.

"Tiếp thu nhiều ý kiến góp ý từ các bộ, ngành địa phương, dư luận xã hội về việc điều chỉnh giờ làm việc. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, dự thảo tờ trình đã có những điều chỉnh phù hợp hơn trước khi trình Quốc hội" - ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, việc đề xuất điều chỉnh giờ làm việc xuất phát từ tồn tại nhiều năm qua như: không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan trung ương và địa phương (các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8h, trong khi đa số địa phương bắt đầu từ 7h vào mùa hè hoặc 7h30 với mùa đông), trên địa bàn thủ đô Hà Nội cũng có sự khác nhau.

Chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương. Chưa phù hợp xu thế chung của các nước phát triển.

Đức Bình