|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tháo gỡ rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản

21:31 | 26/03/2021
Chia sẻ
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đơn vị đang và tiếp tục làm việc với cơ quan thú y có thẩm quyền các nước để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đơn vị đang và tiếp tục làm việc với cơ quan thú y có thẩm quyền các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Brazil, Mexico, Costa Rica… nhằm tháo gỡ rào cản, khó khăn vướng mắc, mở rộng thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Với thị trường Trung Quốc, Cục Thú y tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương và các doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu về vệ sinh thú y, giám sát dịch bệnh; đồng thời cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan và đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản.

Đặc biệt, Cục Thú y phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về đánh giá rủi ro đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu dựa trên đề nghị mở rộng các sản phẩm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền Trung Quốc phục vụ xuất khẩu tôm hùm và cua sang Trung Quốc.

Cục phối hợp các địa phương giám sát, kiểm soát các bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô trên tôm sú sống tại Việt Nam sau khi phía Trung Quốc phát hiện 2 bệnh này trên các lô hàng tôm sú sống từ Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc; tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản rà soát, bổ sung cơ sở nuôi tôm sú vào danh sách doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc.

Với thị trường Hàn Quốc, Cục Thú y đang phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc tổ chức xét nghiệm mầm bệnh, kiểm tra các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực phòng thử nghiệm nhằm đáp ứng yêu cầu của Hàn Quốc.

Tháng 10/2020, Hàn Quốc thông báo bắt đầu từ năm 2021 sẽ yêu cầu kiểm dịch thêm 5 bệnh thủy sản đối với thủy sản nhập khẩu vào Hàn Quốc. Cục Thú y đã phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đàm phán với phía Hàn Quốc để giảm trừ yêu cầu kiểm dịch đối một số loại bệnh.

Về xuất khẩu tôm sang Australia, Cục Thú y đã tổ chức đánh giá, thẩm định điều kiện và chứng nhận Chi nhánh Công ty Việt Úc - Bạc Liêu (tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, thuộc Tập đoàn Việt Úc) là cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản. Đây là căn cứ quan trọng để đề xuất phía Australia xem xét, đánh giá và cho phép xuất khẩu tôm nguyên con vào thị trường này

Cục Thú ý tiếp tục hướng dẫn Tập đoàn Việt Úc giám sát duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh thủy sản đối với 2 cơ sở an toàn dịch bệnh đã được Cục Thú y công nhận; đồng thời tổ chức kiểm tra, đánh giá các phòng thử nghiệm về bệnh thủy sản nhằm khắc phục các sai lỗi, đáp ứng yêu cầu của phía Australia và làm căn cứ cấp chứng thư cho lô hàng xuất khẩu.

Với thị trường Brazil, Cục Thú y đã phối hợp với các đơn vị liên quan để đàm phán với Brazil gỡ bỏ rào cản kỹ thuật đối với cá tra, mở cửa thị trường tôm cho Việt Nam.

Hiện Brazil đã đồng ý mở cửa thị trường cho tôm sơ chế, chế biến bỏ đầu và bỏ vỏ, chấp thuận cho sử dụng muối phốt phát trong tôm, phi lê cá tra với hàm lượng theo quy định của Codex. Tuy nhiên, Brazil không chấp nhận việc bỏ kiểm tra các chỉ tiêu hóa lý với lý do để ngăn chặn gian lận thương mại và kiểm soát chất phụ gia không thông dụng; không dỡ bỏ việc đăng ký nhãn sản phẩm mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi theo hình thức xây dựng trang web bằng tiếng Anh để đăng ký nhãn.

Cục Thú y sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đàm phán với phía Brazil về các yêu cầu của Việt Nam. Việt Nam sẽ tham gia phiên họp lần thứ 79 Ủy ban SPS/WTO ngày 25-26/3/2021 và dự kiến nêu nội dung quan ngại về việc Brazil có các quy định vượt mức thông lệ quốc tế đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam.

Về xuất khẩu cá tra đi Hoa Kỳ, Cục Thú y đang chuẩn bị đón tiếp Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm (FSIS) – Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sang đánh giá duy trì hệ thống kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ; đôn đốc các cơ sở nuôi thực hiện hệ thống kiểm soát dịch bệnh. Dự kiến, từ ngày 23/3-29/4, Cục Thú y sẽ làm việc với Cơ quan FSIS tại phiên thanh tra trực tuyến đối với hệ thống kiểm soát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng cho biết, các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam liên tục có những thay đổi, yêu cầu khắt khe hơn về kiểm dịch thủy sản. Bởi vậy, các địa phương, cơ sở nuôi trồng thủy sản cần tích cực giám sát an toàn dịch bệnh, triển khai áp dụng các quy trình nuôi thủy sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh như VietGAP, MSC, GlobalGAP…; đặc biệt là đẩy mạnh xây dựng các cơ sở/vùng nuôi an toàn dịch bệnh, kiểm tra giám sát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở nuôi.

Các doanh nghiệp nghiên cứu, tuân thủy quy định của thị trường nhập khẩu và hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền về kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch, giám sát dịch bệnh…

Bích Hồng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.