|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thanh tra đất vàng thành... túi vàng: Khó hay không khó?

17:16 | 06/02/2017
Chia sẻ
Việc thanh tra của Chính phủ là rất cần thiết, không chỉ thanh tra từng đợt, mà phải thường xuyên, liên tục, tất cả dự án chuyển đổi mục đích khác.

Bắt buộc phải làm

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu vừa ký Quyết định số 3344/QĐ-TTCP phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 của Thanh tra Chính phủ mà theo đó cơ quan này sẽ tiến hành 23 cuộc thanh tra chính thức và 6 cuộc thanh tra dự phòng.

Đáng chú ý,Vụ II Thanh tra Chính phủ được giao thanh tra tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các đơn vị liên quan trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tập trung việc chuyển đổi sử dụng đất từ đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác ở Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hoà.

Nội dung liên quan đến chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác cũng được Thanh tra Chính phủ giao Cục I thanh tra tại UBND TP Hà Nội, Cục II thanh tra tại UBND tỉnh Khánh Hoà và UBND TP Đà Nẵng, Cục III thanh tra tại UBND TP Cần Thơ.

thanh tra dat vang thanh tui vang kho hay khong kho
Việc thanh tra trên của Chính Phủ là rất cần thiết, không chỉ thanh tra từng đợt, mà phải thường xuyên, liên tục, tất cả dự án chuyển đổi mục đích khác. Ảnh minh họa

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng đất đai trên đất nước Việt Nam thuộc quyền sở hữu toàn dân, nhà nước đại diện toàn dân để quản lý sử dụng, các tổ chức cá nhân được nhà nước giao quyền sử dụng. Nếu nhà nước quản lý sử dụng kém hiệu quả, tạo ra lợi ích nhóm là có tội với nhân dân.

“Lợi ích trên đất đai quá lớn nên rất đễ bị lợi dụng nếu nhà nước quản lý không nghiêm, đặc biệt là đất công và đất thuộc quyền sử dụng của quân đội (Bộ Quốc Phòng). Việc thanh tra trên của Chính phủ là rất cần thiết, không chỉ thanh tra từng đợt, mà phải thường xuyên, liên tục; không chỉ một vài dự án trọng điểm mà tất cả dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ quốc phòng, an ninh hay công cộng”, PGS.TS Ngãi nhấn mạnh.

Theo ông Ngãi, đây là một nhiệm vụ rất khó nhưng không thể không làm. Vì vậy khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Chính phủ cần thiết tập trung vào 3 vấn đề chính và làm rõ nội dung cụ thể.

“Vấn đề thứ nhất, việc chuyển mục đích sử dụng từ quốc phòng, an ninh hay công cộng sang các dự án thương mại có đúng quy định của pháp luật không.

Thứ hai, vấn đề tài chính liên quan đến việc chuyển đổi, giá chuyển đổi có phù hợp với giá thị trường không, nguồn thu được quản lý và sử dụng thế nào.

Vấn đề thứ ba là vấn đề rất phổ biến, không phải chỉ thanh tra những dự án đã chuyển đổi đất sang dự án thương mại, mà là việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh và công cộng cho thuê, cần làm rõ giá cho thuê và nguồn thu được sử dụng như thế nào”, ông Ngãi khẳng định.

thanh tra dat vang thanh tui vang kho hay khong kho Làm rõ việc chuyển đổi 'đất vàng' ở các thành phố lớn

Cùng đưa quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hồng Nga - Phó Trưởng Khoa, Khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM nhận định, cá nhân ông đánh giá cao việc chỉ đạo thanh tra các dự án chuyển đổi đất công sang mục đích dân sự khác.

Tuy nhiên, theo ý kiến của PGS.TS Nga, đáng lẽ ra việc thanh tra này cần làm sớm hơn để không xảy ra các vụ tiếp theo gần nhất.

“Theo quan điểm cá nhân thì việc tiến hành thanh tra các dự án đó vừa khó lại vừa không khó.

Khó khăn nhất là các dự án này đã được duyệt bởi chính phủ và các cơ quan chức năng, tức là đất đã giao cho các chủ sở hữu để chuyển đổi mục đích sử dụng, về mặt pháp luật, đất đã có chủ hợp pháp và được giao cho các cá nhân hay tổ chức.

Không khó ở đây là thanh tra chính phủ có đủ chức năng và phương tiện theo qui định của pháp luật để thanh tra các dự án được coi là có vấn đề trong việc giao đất công”, ông Nga nhấn mạnh.

Phó Trưởng Khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM khẳng định, việc thanh tra sẽ được tiến hành theo các thủ tục, trình tự của pháp luật và luật thanh tra chính phủ.

Đặc biệt, theo quan điểm của vị chuyên gia, để việc thanh tra được diễn ra thuận lợi và đạt kết quả như mong muốn, các cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ 3 vấn đề liên quan.

“Thứ nhất, chúng ta nên làm rõ việc chuyển mục đích sử dụng có đúng theo qui định, qui trình và qui hoạch tổng thể tại các thành phố có dự án hay không. Thứ hai là việc giao đất có đúng qui trình và có mang tính cạnh tranh hay không. Cuối cùng là có hay không việc sử dụng các mối quan hệ để mang lại lợi ích nhóm hay không”, PGS.TS Nga nêu quan điểm.

Sai phạm phải truy thu

PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cũng đề cập đến các trường hợp đất vàng bị định giá thấp để chuyển đổi mục đích sử dụng xây dựng nhà cao tầng, trung tâm thương mại.

Theo nhận định của ông, sau khi thanh tra, nếu xác định được giá thấp trong việc chuyển đổi đất cho các dự án thương mại, cần phải quy trách nhiệm và truy thu.

“Phải làm như vậy mới công bằng, hội đồng nào, cá nhân nào quyết định giá như vậy phải chịu trách nhiệm. Nhà đầu tư nào lobby để được giá thấp là quyền của họ. Theo tôi lỗi này không thuộc nhà đầu tư, mà là do cán bộ quản lý. Tuy nhiên vấn đề này cũng hết sức thân trọng vì giá cả thị trường thay đổi hàng ngày, cần phải dựa vào giá thị trường vào thời điểm chuyển đổi thì mới công bằng”, ông Ngãi nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được Trưởng khoa Kinh tế trường Đại học Nông Lâm TP.HCM nhắc đến đó là, giá trị tài sản tại các dự án rất lớn, rất dễ xảy ra lợi ích nhóm, thất thoát. Vì vậy ông Ngãi cho rằng các cơ quan chức năng làm việc một cách hiệu quả, công khai, minh bạch thì tình hình sẽ được cải thiện đáng kể.