Thanh toán không tiền mặt: Ngại tính pháp lý
Tại sự kiện Banking Vietnam 2019 với chủ đề "Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết năm 2018, thanh toán internet, thanh toán di động đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng về giá trị giao dịch, tương ứng tăng 19,5% và 169,5% so với năm 2017. Hãng kiểm toán PwC cũng đã xếp Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018.
Đâu thể một mình tạo sân chơi
Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra con số tỉ lệ dân số tiếp cận dịch vụ tài chính chỉ khoảng 30%. Điều này cho thấy phát triển dịch vụ NH, trung gian thanh toán mới chỉ tập trung ở thành phố lớn, mà bỏ qua và chưa chú trọng về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NH - NHNN, băn khoăn việc người dân phần lớn vẫn sử dụng tiền mặt do tâm lý e dè, ngại tìm hiểu, sợ rủi ro. Điều này đã ngăn cản việc tiếp cận của người tiêu dùng với các hình thức thanh toán điện tử. Mức tiếp cận dịch vụ NH, thanh toán không dùng tiền mặt của người dân còn thấp so với mặt bằng chung của các quốc gia trong khu vực. Do đó, bà Hiền đề xuất các chính sách đặc biệt ưu đãi cho mở tài khoản cơ bản như không thu phí hoặc không yêu cầu duy trì số dư tối thiểu.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), cho rằng việc thanh toán không dùng tiền mặt đang vướng ở khâu kết nối giữa NH - nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng. Ngành NH không thể một mình tạo ra sân chơi mà phải phối hợp với các bên. Ông dẫn chứng việc thanh toán tiền điện, nếu NH muốn triển khai cho người dùng điện thanh toán thì phải "bắt tay" được với ngành điện. "Phải có sự thống nhất giữa các bên, đồng bộ, kết nối dữ liệu thì mới triển khai rộng rãi được" - ông Thắng bày tỏ.
Khách hàng thanh toán qua ví điện tử tại một quán cà phê ở TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cần "cánh tay nối dài"
Theo ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), một số NH, công ty trung gian thanh toán đã tổ chức các chương trình thay đổi thói quen của người dùng nhưng chưa thật sự đạt hiệu quả.
Từ kinh nghiệm của NAPAS, ông Minh kiến nghị thời gian tới cần có các chương trình tổng thể của Chính phủ, bộ - ngành để truyền thông rộng rãi hơn tới người dân về việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp (DN), ông Minh mong muốn Chính phủ có chính sách ưu đãi, cơ chế khuyến khích để các DN chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Về hành lang pháp lý, phó tổng Giám đốc NAPAS khẳng định ở một số thời điểm đã bị trễ so với nhu cầu phát triển của thị trường. Sự thay đổi của công nghệ, sự phát triển chóng mặt của các loại hình kinh doanh khiến hành lang pháp lý chưa theo kịp. Đây là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước, làm sao để tạo điều kiện cho DN phát triển năng động nhưng vẫn kiểm soát được.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh thách thức lớn nhất trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là hành lang pháp lý. Theo ông Thắng, bước chân vào nền kinh tế số, 3 yếu tố quan trọng là thể chế, công nghệ và con người. Thể chế phải đi đầu, nếu không thì rủi ro pháp lý là rất lớn cho DN.
"Khung pháp lý phải hoàn thiện, làm sao để biến tiền mặt thành không có tiền mặt. Có ví điện tử nhưng việc cho tiền vào ví điện tử còn khó khăn. Ở thành thị còn khó khăn thì vùng sâu, vùng xa thực hiện thế nào" - ông Thắng đặt vấn đề và đề xuất NHNN cho phép các NH tự chọn, tự xét duyệt "cánh tay nối dài" của mình. Đó là các đại lý hỗ trợ nạp tiền mặt vào trong NH số, vào trong ví và khi cần, họ có thể rút ra. Ông cũng kiến nghị Chính phủ có biện pháp áp đặt cụ thể bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu dịch vụ không sử dụng tiền mặt đến từng bộ - ngành, địa phương.