Thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn nhiều vướng mắc vì thiếu lòng tin
Phát biểu tại buổi diễn đàn "Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online" vào sáng nay (20/8), ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẳng định việc thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc vì thiếu lòng tin từ phía khách hàng.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công thương cho biết thương mại điện tử của Việt Nam đang phát triển rất tốt do có sự vào cuộc của nhà nước và doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề còn tồn tại về trở ngại khi mua hàng trực tuyến như sản phẩm kém chất lượng vẫn là vấn đề khách hàng quan ngại số một, các vấn đề về giá cả hay thông tin lộ lọt cũng là các yếu tố mà người tiêu dùng đặc biệt quan tâm", ông Đức Anh phát biểu.
Trên thực tế, giao dịch trả tiền mặt khi nhận hàng lại lên tới 88%, theo số liệu năm 2019 trong Sách trắng thương mại điện tử việt Nam 2020, ảnh hưởng không nhỏ tới các đơn vị thanh toán, logistics và cả khách hàng
Theo ông Dũng, để giải quyết được vấn đề lòng tin cần phải xây dựng tính an toàn trong thanh toán không tiền mặt và tạo xu hướng tiêu dùng tích cực.
Các ngân hàng đã và đang áp dụng rất nhiều biện pháp bảo mật, chống đột nhập khai thác thông tin khách hàng. Đồng thời, áp dụng nhiều công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế, không lưu trữ thông tin khách hàng hay sử dụng smart OTP nhằm tăng tính bảo mật thông tin khách hàng.
Bên cạnh đó, việc khách hàng chủ quan, chưa có đầy đủ kiến thức bảo mật thông tin cũng được nêu ra trong buổi diễn đàn.
Về vấn đề này, ông Dũng thông tin rằng đã yêu cầu các ngân hàng triển khai việc nâng cao ý thức khi tham gia giao dịch, mua sắm trực tuyến. Ngoài ra, để tạo lòng tin cho khách hàng khi thanh toán trực tuyến, các đơn vị phải đảm bảo tính an toàn, tạo sự thuận tiện và giải quyết các vấn đề về chi phí.
TS. Võ Chí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận định rằng dịch COVID-19 tuy đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động mua sắm của người tiêu dùng nhưng đồng thời cũng thúc đẩy thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online.
"Đối với doanh nghiệp, đây là phương thức dịch chuyển việc cung ứng dịch vụ tới khách hàng, đồng thời là cách thức để sống còn trong giai đoạn này", ông Thành nói.
Tiêu dùng online là xu hướng tất yếu
Tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến khi người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn.
Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh với 80% người khảo sát cho biết đã từng mua hàng online. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, IT và mĩ phẩm.
Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, đã đặc biệt thích nghi với việc mua hàng trực tuyến (với hơn 50% dân số). Bên cạnh yếu tố tiết kiệm thời gian, người tiêu dùng Việt Nam muốn đầu tư cho một cuộc sống chất lượng cao nên ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì độ tiện dụng.
Đây chính là cơ hội hấp dẫn các doanh nghiệp lựa chọn bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.
Buổi diễn đàn nhằm đưa ra các biện pháp để các doanh nghiệp chuyển mình và năm bắt cơ hội trong thị trường công nghệ mới, đồng thời nhận định về những tiện ích, rủi ro mà khuynh hướng tiêu dùng mang lại cho tương lai thanh toán không tiền mặt và những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp.