Thanh toán điện tử tại Việt Nam đang 'cất cánh'
'Đừng để người bán phở thanh toán điện tử nhưng mua nguyên liệu bằng tiền mặt' | |
73 triệu tỉ đồng được xử lí qua thanh toán điện tử liên ngân hàng trong năm 2018 |
Ảnh minh họa |
Theo tờ The Asean Post, 2018 là một năm tuyệt vời của nền kinh tế Việt Nam. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,1% so với cùng kì, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Tốc độ tăng trưởng ấn tượng dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì trong năm nay.
Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, các hoạt động tiêu dùng trong nước cũng bắt đầu thay đổi. Theo đó, sự phát triển của tầng lớp trung lưu và khả năng truy cập internet được tăng cường đã dẫn đến một nền kinh tế kĩ thuật số phát triển mạnh mẽ. Hiện có khoảng 54% dân số Việt Nam sử dụng internet và con số này dự kiến sẽ tăng lên trong những năm tới.
Và thanh toán điện tử chính là xương sống của nền kinh tế kĩ thuật số. Trong các xã hội có độ phủ internet cao và nền kinh tế kĩ thuật số phát triển, người dân ít sử dụng tiền mặt để thanh toán. Thay vào đó, thanh toán điện tử thường là lựa chọn ưu tiên với ưu thế nhanh hơn và thuận tiện hơn.
The Asean Post cho rằng thanh toán điện tử tại Việt Nam đang dần “cất cánh”. Theo số liệu của Statista, năm 2017, số lượng thanh toán điện tử tại Việt Nam đã tăng 22% so với năm trước với tổng giá trị giao dịch ước tính vào khoảng 6,1 tỉ USD. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 12,3 tỉ USD vào năm 2022.
Mặc dù tăng trưởng ấn tượng tuy nhiên tỉ lệ thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước láng giềng. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam hiện có số lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực ở mức 4,9%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan với gần 60% và Malaysia là gần 90%.
Nguồn: The Asean Post |
Hiện tại, thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư lớn. Bên cạnh những gã khổng lồ như GrabPay và AliPay, các công ty fintech trong nước cũng đang tích cực dồn tiền cho các dự án của mình.
Một trong những công ty khởi nghiệp tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực thanh toán điện tử là Momo. Công ty này cung cấp các dịch vụ chuyển tiền trên toàn quốc, thanh toán hơn 100 loại hóa đơn, nạp tiền vào tài khoản điện thoại di động, giải quyết các khoản vay cá nhân và nhiều tiện ích khác.
Nhận thức được tầm quan trọng của thanh toán điện tử trong việc củng cố nền kinh tế kĩ thuật số, Chính phủ cũng đã đưa ra một số biện pháp để khắc phục sự tụt hậu so với các nước láng giềng.
Trong đầu tháng 1/2019, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, các công ty viễn thông,... trên địa bàn đô thị phải thu học phí, viện phí, tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, máy POS. Nhiệm vụ này được yêu cầu hoàn thành trước tháng 12/2019.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã được Chính phủ giao nhiệm vụ đưa ra các giải pháp và phương pháp nhằm khuyến khích người dân sử dụng ví điện tử.
Trước đó, Việt Nam đã có nhiều bước đi nhằm hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech. Cụ thể, năm 2016, Chính phủ đã thành lập Cơ quan Công nghệ, Khởi nghiệp và Phát triển Thương mại Quốc gia (NATEC). NATEC có nhiệm vụ đào tạo, cố vấn, ươm tạo doanh nghiệp và hỗ trợ tài chính cho các công ty mới khởi nghiệp.
Mặc dù vậy, The Asean Post cho rằng việc tập trung vào các công ty khởi nghiệp và khu vực đô thị là chưa đủ. Chính phủ nên tập trung vào việc cải thiện quyền truy cập vào ví điện tử và các dịch vụ fintech khác cho những người sống ở các vùng nông thôn của Việt Nam.
Theo The Asean Post, 60 % dân số sống tại nông thôn Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính. Do đó, tạo cơ hội cho người dân ở nông thôn có cơ hội tiếp cận với dịch vụ tài chính di động không chỉ giúp gia tăng các giao dịch không dùng tiền mặt mà còn cho phép họ có quyền tham gia vào các hoạt động tài chính vi mô.