Thanh Hóa phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 9 đơn vị được cấp phép hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng, với doanh số mua bán vàng miếng đạt khoảng 5.000 lượng vàng/năm.
Ngoài ra, toàn tỉnh có 73 doanh nghiệp vàng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ và hơn 300 doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Hiện nay, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần bình ổn thị trường vàng.
Mới đây nhất, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 3 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 doanh nghiệp và 2 hộ kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ.
Theo đó, lợi dụng tình hình giá vàng tăng cao, nhiều người dân mua vàng để tích trữ, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại vàng bạc Kim Chung, địa chỉ tại 219 Lê Hoàn, phường Lam Sơn (thành phố Thanh Hóa) đã có hành vi trà trộn, làm giả các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Versace, DIOR, Christian Dior, Hermes, Louis Vuitton để trục lợi. Tổng trị giá tang vật vi phạm là hơn 195 triệu đồng.
Ngày 10/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty này với số tiền 205 triệu đồng; đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh lắc kim loại màu vàng, màu trắng trong thời hạn 2 tháng, kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành.
Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng đã ra quyết định xử phạt 115 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Đỗ Thị Chi, địa chỉ tổ dân phố Tân Hải, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Hộ này có 2 hành vi vi phạm hành chính về trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp đứng điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định.
Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hưng, có địa chỉ tại tiểu khu 4, thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung, sau kiểm tra, các ngành chức năng đã ra quyết định xử phạt 57,5 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp đứng điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định…
Theo ông Lữ Minh Thư, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường vàng, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã ra quân kiểm tra và liên tiếp phát hiện các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực này.
Trong đợt ra quân từ 8/4 đến nay, đơn vị đã phát hiện một số doanh nghiệp vi phạm với các lỗi như không công bố tiêu chuẩn; không ghi nhãn hàng hóa đúng quy định; không niêm yết công khai giá vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ; kinh doanh một số sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu...
Theo đó, tổng hợp các đợt kiểm tra, đơn vị đã phát hiện 1 cơ sở kinh doanh vàng giả mạo nhãn hiệu có dấu hiệu tội phạm, 4 cơ sở kinh doanh vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp, điều kiện kinh doanh theo quy định và nhãn hàng hóa.
Lực lượng chức năng cũng đã thu hồi 6 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng, như: không công bố tiêu chuẩn; không ghi nhãn hàng hóa đúng quy định; không niêm yết công khai giá vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ; xuất nhập khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, vàng nguyên liệu không đúng theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp...
Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình, hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, nhất là vi phạm nhãn hiệu hàng hóa và công bố các tiêu chuẩn chất lượng.
Đơn vị cũng khuyến cáo người dân cần theo dõi những biến động của thị trường vàng trên thế giới và trong nước, thận trọng, cân nhắc khi đầu tư vàng bởi giá cả biến động rất nhanh.