|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thanh Hóa: Doanh nghiệp khai thác đá nhập nhèm để trục lợi

20:02 | 19/10/2016
Chia sẻ
Gần đây, phóng viên Báo Đầu tư nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc (TP. Thanh Hóa) tình trạng Doanh nghiệp tư nhân Khai thác đá Hải Phú (DN Hải Phú), có địa chỉ tại phường Đông Hưng, TP. Thanh Hóa lạm dụng giấy phép cấp quyền thăm dò khai thác mỏ đá để tiến hành khai thác, vận chuyển, chế biến một khối lượng lớn đá grabo (đá bazan) trái phép trên địa bàn xã.

Cũng theo thông tin phản ánh, DN Hải Phú đã tiến hành thuê lại đất ngay trên địa bàn xã Cao Ngọc để mở xưởng sản xuất từ năm 2014. Trong suốt 2 năm qua, doanh nghiệp này chưa có bất cứ quyền khai thác mỏ đá chính thức nào trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngoài giấy chứng nhận cấp quyền thăm dò, khai thác mỏ đá tại làng Nghiện, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này, xưởng sản xuất đá grabo của doanh nghiệp này đã đi vào sản xuất và đưa sản phẩm đá ốp lát grabo ra thị trường.

Phóng viên Báo Đầu tư tìm đến làng Nghiện, nơi DN Hải Phú đang tiến hành khai thác đá một cách rầm rộ. Từ lưng chừng đồi, một chiếc máy múc lớn đang hoạt động, từng tảng đá màu xanh đen được lăn xuống và tập kết phía dưới chân đồi. Từ đây, đá sẽ được vận chuyển về xưởng chế biến để xẻ thành tấm đem tiêu thụ.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, tại Văn bản số 7783/UBND - CN của UBND tỉnh Thanh Hóa (do ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký) chỉ là văn bản chấp thuận chủ trương cho DN Hải Phú chuyển đổi vị trí lập hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc (văn bản cấp quyền thăm dò lần thứ hai đối với doanh nghiệp này).

Trước đó, vào ngày 5/11/2014, DN Hải Phú cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép thăm dò khai thác đá xây dựng với diện tích 1,7 ha tại xã Cao Ngọc, với thời gian là 2,5 tháng. Tuy nhiên, sau khi “vét” hết trữ lượng đá có tại điểm khai thác này, DN Hải Phú đã đưa ra lý do là không thỏa thuận được với người dân địa phương về phương án đền bù, giải phóng mặt bằng và… không đủ trữ lượng để tiến hành khai thác mỏ, nên xin dừng thăm dò.

Rõ ràng, việc DN Hải Phú hoạt động khai thác và chế biến đá trên địa bàn xã Cao Ngọc liên tục từ năm 2014 đến nay với thẩm quyền thăm dò khai thác cho thấy, doanh nghiệp này có dấu hiệu lách luật để trục lợi, bởi theo quy định, việc cấp quyền thăm dò khai thác và quyền khai thác mỏ là 2 hoạt động khác nhau. Đặc biệt, việc thăm dò khai thác phải tuân thủ những quy định, quy trình hết sức ngặt nghèo về giám sát, khối lượng lấy mẫu,…

Đối với phạm vi giấy phép thăm dò, doanh nghiệp chỉ được tổ chức lấy một lượng mẫu nhất định trong khoảng thời gian quy định trong giấy phép để sản xuất thử nghiệm. Với dạng giấy phép này, doanh nghiệp cũng chỉ phải đóng lệ phí cho việc cấp giấy là 4 triệu đồng, ngoài ra không phải chịu bất kỳ loại thuế nào. Hơn thế, việc phải thực hiện các quy định chặt chẽ về đánh giá tác động môi trường của hoạt động thăm dò rất khác với hoạt động khai thác. Theo quy định, để được cấp quyền khai thác mỏ, doanh nghiệp phải chịu sự giám sát chặt chẽ về đánh giá tác động môi trường, nộp thuế tài nguyên, thuế môi trường… và kèm theo đó là chi phí lớn.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Trung Dũng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngọc Lặc cho rằng, “chỗ này đã xong rồi và doanh nghiệp này đã được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương khai thác ở một điểm mỏ khác”! Ông Dũng còn cho biết thêm, vừa qua, DN Hải Phú có công văn xin tỉnh tạm dừng thu tiền cấp quyền khai thác mỏ đá grabo tại xã Cao Ngọc, nhưng UBND tỉnh Thanh Hóa không đồng ý và đã có chủ trương truy thu phí đối với phần khối lượng đã khai thác trước đó.

Như vậy, điều mà dư luận ở xã Cao Ngọc phản ánh là có cơ sở, bởi suốt từ năm 2014 đến nay, tại sao DN Hải Phú có thể duy trì hoạt động của xưởng sản xuất đá grabo để cung cấp sản phẩm này ra thị trường, trong khi theo giấy phép thăm dò, họ chỉ được lấy mẫu theo quy định?

Vấn đề đang được dư luận mong đợi các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa làm rõ là, vì sao việc doanh nghiệp nhập nhèm giữa “thăm dò” với “khai thác” nhằm trục lợi có thể kéo dài đến như vậy.

Theo Sĩ Chức

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.