|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tháng 3/2020, đường sắt Việt Nam có nguy cơ ngưng chạy tàu

08:08 | 21/02/2020
Chia sẻ
Theo qui định, Bộ GTVT giao dự toán ngân sách trước ngày 31/12/2019 để thực hiện nhiệm vụ tuần đường, gác chắn... của năm 2020 nhưng đến nay Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn chưa nhận được.

Sáng 20-2, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (QLVNN) tại doanh nghiệp để kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho ủy ban này. 

Tại cuộc làm việc, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đã phản ánh nhiều bất cập đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của đơn vị.

Ngưng chạy tàu vì chữ nghĩa rối rắm

Vướng mắc đầu tiên, theo ông là do “cơ chế, chính sách” khi thay đổi người đại diện về quản lý vốn. Bộ GTVT đã có ba văn bản liên tiếp gửi Thủ tướng; tổng công ty cũng đã báo cáo lên Bộ GTVT, Ủy ban QLVNN, thậm chí báo cáo vượt cấp lên cả Thủ tướng, Thường trực Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Về vấn đề giao dự toán ngân sách, ông Minh cho biết theo quy định, trước ngày 31-12-2019, Bộ GTVT giao dự toán ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ như tuần đường, gác chắn, bảo đảm an toàn giao thông… 

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ căn cứ vào đây ký hợp đồng đặt hàng công ích với các đơn vị trong ngành với tổng số nhân lực, lao động trong khối hạ tầng là hơn 11.000 người. 

Nhưng đến nay tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn chưa nhận được dự toán, điều này khiến hơn 11.000 con người chưa có tiền lương.

“Báo cáo với các đồng chí, nếu chạy tàu là trái luật. Và nếu bất cứ nhân viên tuần đường, gác chắn nào bị tai nạn thì lãnh đạo đơn vị đường sắt có thể bị khởi tố, bởi có ai giao nhiệm vụ đâu mà làm. 

Nhưng chẳng lẽ lại dừng hoạt động chạy tàu?” - ông Minh nói và cho biết gần hai tháng nay tổng công ty đã làm rất nhiều báo cáo, kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền.

Theo ông Minh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Điều 49 Luật Ngân sách nhà nước quy định: Khi cơ quan nhận được dự toán ngân sách thì phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới. 

Trong khi đó, Tổng Công ty Đường sắt không thuộc đơn vị trực thuộc của Bộ GTVT.

Ông Minh cũng cho hay Nghị quyết 87 của Quốc hội quy định rõ: “Tiếp tục cơ chế giao dự toán ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong dự toán ngân sách nhà nước cho Bộ GTVT”. 

Tuy nhiên, Bộ GTVT giải thích rằng sau hai chữ “tiếp tục” không có câu là giao cho Tổng Công ty Đường sắt. Trong khi quan điểm khác lại cho rằng “tiếp tục” là tiếp tục giao cho Tổng Công ty Đường sắt.

“Chúng tôi không thể đánh giá quan điểm nào là đúng nhưng đến giờ, hơn vạn con người không có lương. Các đơn vị thì không có tiền để chi trả nên tổng công ty phải ứng, song tôi ứng như vậy là tôi đang làm sai và phải đối diện với nhiều rủi ro”- ông Minh chia sẻ.

Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt cũng cho rằng việc tạm chi trả tiền để duy trì hoạt động này chỉ là tạm thời, không thể duy trì mãi được. Nếu đến tháng 3 tới vẫn không giải quyết được vấn đề này thì có thể phải dừng hoạt động chạy tàu trên toàn quốc do không có ai làm tuần đường, gác chắn…

Tháng 3/2020, đường sắt Việt Nam có nguy cơ ngưng chạy tàu - Ảnh 1.

Đường sắt Việt Nam có thể ngưng chạy tàu từ tháng 3-2020 vì nhân viên gác chắn, tuần đường đến nay vẫn chưa có lương. Ảnh: HOÀNG GIANG

Không thể quay đầu, về đường cũ

Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết trong năm doanh nghiệp ngành giao thông chuyển sang Ủy ban QLVNN thì gặp khó khăn, vướng mắc lớn nhất là đường sắt, hàng không và Tổng Công ty Quản lý đường cao tốc (VEC).

“Chúng tôi rất trăn trở và đã tổ chức rất nhiều cuộc họp. 

Ban cán sự đảng bộ cũng đã có nghị quyết để giải quyết những vướng mắc, tránh trường hợp nói là “con đẻ, con nuôi”” - ông Công nói và cho biết những gì làm được Bộ GTVT đã làm, còn những vướng mắc ngoài thẩm quyền, bộ đã báo cáo lên cấp trên để xem xét, giải quyết.

Cũng theo ông Công, Bộ GTVT đã báo Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đề nghị tiếp tục giao dự toán ngân sách nhà nước cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện đến năm 2025. 

Tuy nhiên, văn bản của Quốc hội chỉ là tiếp tục giao cho bộ thực hiện phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới, chứ không có Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

“Cấp trên giao cho chúng tôi thế nào thì thực hiện thế, chứ không có cách nào khác. Chúng tôi không thể vận dụng những gì mà pháp luật không quy định để rồi phải chịu rủi ro” - ông Công nói và khẳng định Bộ GTVT phải thực hiện theo đúng pháp luật.

Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các doanh nghiệp sau khi chuyển về Ủy ban QLVNN, tuy nhiên ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch ủy ban QLVNN, cho rằng những vướng mắc cần được các cơ quan chức năng quan tâm, tháo gỡ, chứ không phải là xin quay trở về chỗ cũ.

“Việc thành lập Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp là quyết định quan trọng của Bộ Chính trị. Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm đến vấn đề này. 

Nay chỉ vì một, hai vướng mắc mà xin quay trở lại là không được; đưa đi, đưa về đơn giản quá, không đúng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước” - ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Phải đảm bảo cho tàu chạy thông suốt

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt trong mọi tình huống phải bảo đảm an toàn và để hoạt động chạy tàu thông suốt. Ông Lục cũng lưu ý cần phải đẩy nhanh kế hoạch giao vốn cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Ông Lục cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ GTVT, những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp vào đầu tháng 3-2020.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận được một số ý kiến của chuyên gia và đại biểu Quốc hội đề nghị điều chuyển Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ GTVT quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của tổng công ty.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Minh

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.