|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tham vọng thâu tóm 7-Eleven của chủ Circle K lớn đến đâu?

09:23 | 18/10/2024
Chia sẻ
Đích thân CEO và Chủ tịch chuỗi Circle K đã đến Nhật Bản để gặp gỡ đối tác. Tuy nhiên, yêu cầu gặp mặt này đã bị từ chối.

Đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K - Alimentation Couche-Tard, muốn mua lại toàn bộ công ty bán lẻ Nhật Bản Seven & i Holdings - chủ 7-Eleven. Thông tin này được CEO Couche-Tard Alex Miller chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Nikkei Asia.

“Chúng tôi không muốn mua một phần công ty,” ông Miller nói. Couche-Tard đã đưa ra đề nghị mua lại với giá 47 tỷ USD cho công ty Nhật Bản này.

CEO Couche-Tard Alex Miller. (Ảnh: Nikkei Asia).

Ông Miller và ông Alain Bouchard - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Couche-Tard, hiện đang có mặt tại Tokyo. “Không nhiều người biết chúng tôi đã tới Nhật Bản. Mục tiêu chính của chúng tôi tuần này là thiết lập mối quan hệ với các bên liên quan,” ông Bouchard nói. 

Chủ tịch Circle K cho biết thêm rằng họ đã yêu cầu gặp Chủ tịch 7-Eleven ông Ryuichi Isaka và đội ngũ của ông, nhưng yêu cầu đã bị từ chối.

Tháng 7 trước đó, Couche-Tard đã đề nghị mua lại toàn bộ bằng cổ phiếu với mức giá 14,86 USD/cổ phiếu cho chuỗi cửa hàng 7-Eleven. Tuy nhiên, Seven & i đã từ chối đề nghị này vào tháng trước, cho rằng mức giá đó “đánh giá quá thấp” giá trị công ty. Couche-Tard sau đó đã nâng giá trị đề nghị lên 18,19 USD/cổ phiếu, tăng hơn 20% so với đề xuất ban đầu.

Tuần trước, Seven & i xác nhận rằng họ đã nhận được “đề xuất sửa đổi, mang tính riêng tư và không ràng buộc” từ Couche-Tard, nhưng chưa công bố chi tiết. Công ty dự kiến sẽ thảo luận về đề xuất mới này với ủy ban đặc biệt, do ông Stephen Hayes Dacus - Chủ tịch hội đồng quản trị, dẫn đầu.

Đề xuất của Couche-Tard “có giá trị rất lớn,” ông Miller cho biết. “Mức giá này cao hơn 50% so với giá cổ phiếu của họ vào thời điểm chúng tôi đưa ra đề xuất đầu tiên.”

Ông từ chối bình luận về việc liệu công ty có cân nhắc nâng giá thêm hay không. Ông cũng cho biết Couche-Tard đang muốn tiếp cận Seven & i thông qua các cuộc thảo luận thân thiện.

“Chúng tôi hoàn toàn quan tâm đến việc mua lại toàn bộ công ty Seven & i,” ông Miller nói. Tổng doanh thu hàng năm của hai công ty ước tính khoảng 150 tỷ USD, và nếu sát nhập, họ sẽ trở thành một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới.

Một cửa hàng 7-Eleven tại Tokyo (Nhật Bản). (Ảnh: Reuters).

Couche-Tard mong muốn cải thiện hoạt động kinh doanh tại Mỹ bằng cách tận dụng thế mạnh trong mảng thực phẩm của Seven & i. Đối với các cửa hàng tiện lợi của Seven & i tại Nhật Bản, Miller nhận định rằng 7-Eleven là “xuất sắc” và Couche-Tard muốn tiếp tục đầu tư vào chuỗi này.

“Thực phẩm và đồ uống là mảng trọng tâm của chúng tôi, và ở Nhật Bản, 7-Eleven thực sự là đẳng cấp thế giới,” ông Miller chia sẻ. “Các món ăn tươi trong cửa hàng và hệ thống logistics hỗ trợ việc cung cấp thực phẩm này đều đạt tiêu chuẩn quốc tế.”

Trong phản hồi hồi tháng 9, Seven & i cho rằng Couche-Tard “không đánh giá đúng mức những thách thức lớn” liên quan đến việc mua lại, bao gồm các quy định chống độc quyền của Mỹ, và cũng không mang lại sự chắc chắn cho việc hoàn tất thương vụ.

CEO Miller cho biết Couche-Tard đã thực hiện 74 thương vụ mua lại kể từ năm 2004, phần lớn tại Mỹ. “Chúng tôi đã làm việc với Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) nhiều lần để tìm ra các giải pháp phù hợp với chính phủ Mỹ và FTC.”

Trước khi đề xuất mua lại được công bố vào tháng 8, các nhà đầu tư đã kêu gọi Seven & i nỗ lực hơn trong việc nâng cao giá trị doanh nghiệp. Tuần trước, công ty thông báo sẽ tách các tài sản không cốt lõi, bao gồm mảng kinh doanh siêu thị ban đầu, thành một công ty mẹ trung gian, và tập trung vào chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven.

Ông Miller cho biết, “Chúng tôi tin rằng đề xuất của mình mang lại giá trị lớn hơn, với mức độ chắc chắn cao hơn và ít rủi ro hơn so với những gì được công bố tuần trước.”

Seven & i trả lời Nikkei rằng: “Chúng tôi vẫn sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận chân thành, công nhận đầy đủ giá trị nội tại của công ty và giải quyết các vấn đề về quy định,” và công ty hy vọng sẽ “giữ các cuộc đàm phán ở mức riêng tư.”

Đức Huy