|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

TGĐ SSIAM Nguyễn Ngọc Anh: Chúng tôi luôn đồng hành với nhà đầu tư trước mọi cơ hội hay biến cố của thị trường chứng khoán

12:40 | 21/04/2023
Chia sẻ
Sau giai đoạn điều chỉnh mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đứng trước vận hội mới với nền tảng của kinh tế vĩ mô, dòng tiền, loạt chính sách hỗ trợ. Để nhà đầu tư có thêm góc nhìn về diễn biến thị trường sắp tới, chúng tôi có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc của SSIAM.

Bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc SSIAM trả lời phỏng vấn. Ảnh: SSIAM.

TTCK Việt Nam đã có biến động mạnh từ nửa cuối năm 2022 tới nay, theo bà, sẽ có những cơ hội nào cho thị trường trong thời gian tới?

Năm 2022 là một năm đầy biến động với thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index kết thúc năm với mức điều chỉnh giảm 32,78%, xóa đi hầu hết thành quả đạt được trong vòng 5 năm qua. Mặc dù vậy, quý I/2023, với sự hỗ trợ của dòng vốn ngoại vào Việt nam thị trường đã ổn định trở lại và xoay quanh mốc trên 1.000 điểm. Dòng vốn ngoại tiếp tục là điểm sáng của thị trường chứng khoán Việt Nam với lượng mua ròng khoảng 143 triệu USD trong quý I/2023, nối tiếp lượng mua ròng gần 1,2 tỷ USD năm 2022.

Từ đầu năm tới nay, chúng tôi đã thực hiện nhiều chuyến đi tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan… là các quốc gia đang có lượng tiền đầu tư lớn vào TTCK Việt Nam để đánh giá sự quan tâm của các nhà đầu tư và khả năng tiếp tục mở rộng việc huy động tiền ngoại vào thị trường Việt Nam trong năm 2023 và các năm sắp tới.

Có thể nói sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tới TTCK Việt Nam là rất lớn. Họ theo dõi chặt chẽ các diễn biến thị trường cũng như các yếu tố vĩ mô. Nếu quý IV/2022 kết thúc với nhiều lo lắng, tới nay nhà đầu tư nước ngoài nhìn chung đánh giá cao sự ổn định kinh tế vĩ mô với việc giảm lãi suất điều hành, giảm thuế VAT, và các giải pháp tháo gỡ nút thắt thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Về mặt định giá, P/E của chứng khoán Việt Nam đang ở mức 13,79 lần, thấp hơn so với bình quân trên 15 lần ở các thị trường lân cận như Indonesia, Thái Lan, Malaysia…

Có một điểm đặc biệt của dòng vốn ngoại trong năm 2022 - 2023 là nguồn tiền chủ yếu đến từ các quỹ ETF, và nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò quan trọng trong các quỹ ETF ngoại, một điểm rất khác biệt với TTCK Việt Nam.

Trong ít nhất 3 năm tới, tôi đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường mục tiêu của các nhà đầu tư ngoại, và dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục dẫn dắt thị trường tăng trưởng ổn định ngay cả trong bối cảnh nhà đầu tư trong nước còn một số e ngại.

SSIAM với vai trò là công ty quản lý quỹ nội hàng đầu, chúng tôi luôn đồng hành cùng nhà đầu tư trong mọi thăng trầm của thị trường, cùng nỗ lực quảng bá thị trường Việt Nam ra thế giới cũng như huy động dòng vốn ngoại cùng song hành với nhà đầu tư trong nước trong mọi thời điểm. Với 95% tổng tài sản quản lý hiện nay của SSIAM (gần 700 triệu USD) đến từ nhà đầu tư ngoại, và với kỳ vọng dòng vốn ngoại tiếp tục chọn Việt nam là điểm đến hàng đầu trong khu vực, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành công ty quản lý quỹ tỷ USD trong vòng 2 năm tới, và mục tiêu đó hoàn toàn khả thi.

Trong 6 tháng qua, ETF đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ổn định và nâng đỡ thị trường, bà đánh giá thế nào về vai trò và xu hướng của ETF cũng như các sản phẩm đầu tư khác ở Việt Nam?

Đúng vậy, với khối ngoại, ETF đã trở thành một xu hướng với các tên tuổi đã trở nên phổ biến trên thị trường như Fubon FTSE Vietnam ETF, VNM ETF, FTSE Vietnam ETF …. với hơn 250 triệu USD ròng đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm tới nay.

Tại nước ngoài, ETF là sản phẩm đầu tư thụ động được các nhà đầu tư cá nhân cũng như các quỹ đầu tư ưa chuộng nhờ phí thấp, tiết kiệm thời gian cũng như danh mục đầu tư được đa dạng hóa. Các quỹ ETF hiện chiếm 12,7% tổng giá trị cổ phiếu tại Mỹ, 7,8% tại châu Âu và 4.1% ở châu Á Thái bình Dương.

Tại Việt Nam hiện nay có 12 quỹ ETF nội trong đó có 3 quỹ do SSIAM vận hành gồm SSIAM VNX50 ETF (FUESSV50), SSIAM VNFIN LEAD ETF (FUESSVFL) và SSIAM VN30 ETF (FUESSV30). Tổng giá trị tài sản do các quỹ ETF nội quản lý ở mức hơn 1,3 tỷ USD, không đáng kể so với tổng giá trị vốn hóa của sàn HOSE.

Trong năm 2022 - 2023, SSIAM chứng kiến dòng vốn từ các tổ chức chảy mạnh vào các sản phẩm ETF và gặt hái thành quả. Quý I/2023, VNFinlead đạt hiệu suất đầu tư tốt nhất trong số các ETF và các quỹ mở lớn trên thị trường, với tăng trưởng 12,69% so với đầu năm. Xu hướng này tôi tin rằng sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo của năm 2023.

Với đặc thù đầu tư vào ETF là đầu tư vào rổ cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu trên TTCK theo danh mục quy định của Sở Giao dịch, việc đầu tư vào ETF giúp các nhà đầu tư hưởng lợi từ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp đầu ngành mà không cần dành thời gian nghiên cứu, theo dõi cũng như phân tích chi tiết.

Cùng với xu thế đa dạng hóa các khoản đầu tư tích sản và phân bổ tài sản vào các khoản đầu tư thụ động, trong 3-5 năm tới, cũng như các thị trường khác trong khu vực, tôi cho rằng nhà đầu tư cá nhân Việt Nam sẽ dần đóng góp tỷ trọng lớn trong các quỹ ETF nội. Khái niệm nhà đầu tư chứng khoán sẽ không còn giới hạn ở những người dành thời gian nghiên cứu, theo dõi thị trường và lựa chọn từng cổ phiếu tốt để đầu tư, mà còn mở rộng ra đại chúng.

Bên cạnh đó, SSIAM với lợi thế là công ty con của Công ty Chứng khoán lớn nhất thị trường – SSI, với mạng lưới nhà đầu tư cá nhân và tổ chức hàng đầu trên thị trường, sẽ là bên tiên phong trong việc đại chúng hóa các sản phẩm đầu tư mới hiệu quả, an toàn và dễ hiểu.

Thời gian gần đây, có thông tin về việc ra đời Quỹ hưu trí tự nguyện có số lượng thành viên lớn nhất Việt Nam, bà nghĩ sao về khái niệm an sinh xã hội gắn liền với các sản phẩm đầu tư tài chính, cụ thể là quỹ hưu trí tự nguyện?

Vâng, SSIAM rất tự hào là bên cho ra đời và vận hành Quỹ Hưu trí tự nguyện có số lượng thành viên lớn nhất Việt Nam trong quý I vừa qua với gần 22.000 nhà đầu tư trong nước. Sản phẩm quỹ hưu trí tự nguyện đang là xu hướng mới tại Việt Nam thời gian gần đây nhờ khả năng tăng tính gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động, đồng thời góp phần bảo đảm ổn định tài chính cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu, qua đó giảm thiểu áp lực đối với hệ thống an sinh xã hội.

Khái niệm an sinh xã hội gắn liền với sản phẩm đầu tư tài chính theo tôi là khá chính xác. Bạn hãy tưởng tượng mỗi tháng, nếu một người lao động bỏ ra một vài trăm nghìn đồng đầu tư vào quỹ hưu trí tự nguyện, hoặc quỹ ETF, hoặc sản phẩm đầu tư thụ động bất kỳ, sau 5-10 năm hoặc tới khi nghỉ hưu, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, nguồn tài sản này sẽ đảm bảo một phần lớn nhu cầu cá nhân của nhà đầu tư mà họ không cần tốn thời gian quan tâm nghiên cứu, giao dịch chứng khoán thường xuyên. Đó chính là một phần của chiến lược an sinh xã hội mà tôi tin sẽ trở thành xu hướng của các tổ chức cũng như cá nhân tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trên thế giới, các quỹ hưu trí là các nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường với tổng tài sản quản lý ước khoảng 47,9 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2022. Nếu so với con số này thì các quỹ hưu trí tại Việt Nam vẫn gần như là số 0. Tuy nhiên với đặc thù dân số trong độ tuổi lao động đông, trong một vài năm tới quỹ hưu trí tự nguyện ở Việt Nam sẽ trở thành người bạn đồng hành phổ biến cùng người lao động trong suốt chặng đường dài cho tới khi nghỉ hưu, cùng hỗ trợ tài chính cho người nghỉ hưu và gia đình.

Nhưng quan sát nội khối, sau giai đoạn điều chỉnh, nhà đầu tư dường như thấm hơn câu chuyện “bạo phát, bạo tàn” lên nhanh xuống nhanh, một bộ phận nghĩ đến nhiều hơn câu chuyện phân bổ tài sản, đầu tư tài chính sinh lợi nhưng an toàn. Bà cho biết bài toán người trẻ muốn “giàu nhanh, tích lũy chậm” sẽ có lời giải không và lời giải ấy sẽ là thế nào?

Các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan từng có giai đoạn bùng nổ nhà đầu tư mới hay còn gọi là nhà đầu tư F0. Nhưng sau đó, trải qua các chu kỳ tăng/giảm của thị trường, nhà đầu tư sẽ phân lớp rõ ràng trong việc tự đầu tư và đầu tư vào các quỹ. Kết quả, các loại quỹ ETF, quỹ mở ở các thị trường trên rất phát triển và rót vốn sang Việt Nam như chúng ta đã thấy.

Trong đầu tư, không phải ai trong mỗi chúng ta đều có đủ thời gian, nguồn lực để “ôm bảng điện” hàng ngày để thực hiện giao dịch. Thay vào đó nhà đầu tư có thể lựa chọn mua tích lũy chứng chỉ quỹ trong dài hạn để gia tăng khối tài sản của mình một cách bền vững hơn. Đó là cơ sở để SSIAM xây dựng sản phẩm đầu tư phù hợp với nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.

Thời gian qua, chúng tôi cũng đi đầu trong việc phổ biến kiến thức đầu tư, giúp cho người trẻ có thêm kiến thức trong việc quản lý tài chính cá nhân thông qua việc phân bổ tài sản một cách hiệu quả. Như một cam kết với cộng đồng, chúng tôi luôn đồng hành với nhà đầu tư trước mọi cơ hội hay biến cố của thị trường chứng khoán.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, SSIAM là công ty quản lý quỹ đi đầu trong việc phát triển sản phẩm đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện công ty là một trong những đơn vị hiếm hoi trên thị trường đã cung cấp đầy đủ các lựa chọn sản phẩm đầu tư, trong đó bao gồm 3 quỹ mở đại chúng, 3 quỹ ETF, 1 Quỹ Hưu trí tự nguyện và 5 Quỹ thành viên.

Sau cơn mưa trời lại sáng, đi qua giai đoạn thị trường điều chỉnh, những cơ hội lớn hơn dần mở ra. Điểm sáng về dòng tiền, đặc biệt là dòng vốn ngoại, cộng hưởng với đó là nền tảng thị trường đang vận động theo hướng minh bạch, bền vững hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, là các yếu tố đảm bảo cho thị trường trụ vững và tăng trưởng trong sóng gió toàn cầu.

Xin cảm ơn bà trả lời phỏng vấn!

 

Bích Thu

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.