|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TCTD của EU có thể sở hữu tối đa 49% vốn tại hai ngân hàng Việt Nam

16:16 | 23/10/2019
Chia sẻ
Trong hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng tỉ lệ sở hữu lên 49% vốn điều lệ tại hai ngân hàng TMCP trong nước. Cam kết này có hiệu lực trong vòng 5 năm.

Tài chính một trong hai nhóm dịch vụ có nhiều cam kết đáng chú ý trong EVFTA

Sáng ngày 23/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tổ chức hội thảo "Ngành tài chính và viễn thông Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định EVFTA" tại Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu biết chính xác và toàn diện về các cam kết EVFTA trong một số lĩnh vực dịch vụ thiết yếu, phân tích tác động của chúng tới triển vọng thị trường và ngành.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết hiệp định EVFTA đã chính thức được kí kết vào ngày 30/6. Hiện tại, hiệp định đang được các cơ quan có thẩm quyền của hai bên tích cực thúc đẩy việc phê chuẩn nội bộ, với hi vọng EVFTA sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020. 

Trong đó, các dịch vụ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán... và dịch vụ viễn thông là những nhóm dịch vụ có nhiều cam kết đáng chú ý trong EVFTA.

Theo ông, cam kết liên quan tới dịch vụ tài chính và viễn thông nằm trong nhóm có cách thức tiếp cận đặc biệt. Một mặt, mở cửa tự do hóa các ngành này không chỉ có ý nghĩa với bản thân các ngành này mà còn có tác động tích cực tới toàn bộ nền kinh tế.

Mặt khác, đây cũng là nhóm dịch vụ nhạy cảm, gắn liền với sự ổn định của nền tài chính và kinh tế quốc dân, an toàn an ninh thông tin, ảnh hưởng trực tiếp và tức thời tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội do vậy luôn cần có kiểm soát thận trọng.

Trong khi đó, EU lại là đối tác có thế mạnh về các dịch vụ tài chính, viễn thông. Vì vậy, EVFTA được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai ngành và thị trường tài chính – viễn thông Việt Nam.

"Các cam kết về qui tắc mở cửa thị trường tài chính và viễn thông Việt Nam cho EU trong EVFTA, cùng với các tác động cộng hưởng của nhiều cam kết khác trong Hiệp định thế hệ mới này chắc chắn sẽ có tác động đáng kể tới thị trường và sự phát triển của các ngành này cũng như rất nhiều các lĩnh vực khác liên quan", ông Hoàng Quang Phòng nhận định. 

Tổ chức tín dụng trong EU có cơ hội sở hữu tối đa 49% vốn tại hai ngân hàng Việt Nam

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho biết EVFTA là một hiệp định có các cam kết ở mức cao hơn so với WTO trong lĩnh vực tài chính và viễn thông. Tuy nhiên, về trực tiếp thì sẽ không có tác động quá lớn đối với hoạt động đầu tư nước ngoài.

TCTD của EU có thể sở hữu tối đa 49% vốn tại hai ngân hàng Việt Nam - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi hội thảo Ngành tài chính và viễn thông Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định EVFTA (Ảnh: QH)

Thực tế, trong lĩnh vực ngân hàng sẽ chỉ có thêm một cam kết có thời hạn 5 năm liên quan đến lĩnh vực ngân hàng trong hiệp định này. Theo đó, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ lên 49% vốn điều lệ trong hai ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam.

Tuy nhiên, cam kết này chỉ có hiệu lực trong vòng 5 năm, qua thời hạn này Việt Nam sẽ không bị ràng buộc bởi cam kết này. Đồng thời, cam kết này cũng không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.

Bên cạnh đó, việc thực hiện cam kết này sẽ phải tuân thủ đầy đủ các qui định về thủ tục mua bán, sáp nhập cũng như các điều kiện an toàn, cạnh tranh, bao gồm giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần áp dụng đối với từng nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức trên cơ sở đối xử quốc gia, theo qui định của pháp luật của Việt Nam.

Với ngành bảo hiểm, Việt Nam cam kết cho phép nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, cam kết dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện theo luật trong nước. Riêng đối với yêu cầu cho phép thành lập chi nhánh công ty tái bảo hiểm, Việt Nam chỉ cho phép sau một giai đoạn quá độ. 

Theo bà Trang, về tổng quát, môi trường kinh doanh sẽ ổn định và dễ dự đoán hơn đối với dịch vụ tài chính, nhất là với các cam kết rõ ràng về ngoại lệ thận trọng, các cam kết liên quan tới các dịch vụ tài chính mới và các cam kết về những vấn đề quan trọng trong cung cấp dịch vụ tài chính.

Còn đối với dịch vụ viễn thông thì các cam kết nền về cơ chế quản lí, các ràng buộc chống độc quyền và bảo vệ cạnh tranh sẽ giúp cho thị trường này dần đi vào ổn định và minh bạch hơn nhiều.

Đánh giá một cách toàn diện, bà Trang cho biết EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,18% -3,25% trong giai đoạn từ 2019-2023; tăng từ 4,57% - 5,3% trong giai đoạn từ năm 2024 - 2028 và 7,07% -7,72% trong giai đoạn năm 2029 - 2033. 

Về tác động gián tiếp, EVFTA sẽ làm gia tăng nhu cầu dịch vụ đồng thời giúp cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ổn định, minh bạch. 

Cùng với đó, hiệp định này sẽ kéo theo cơ hội đầu tư ra các nền kinh tế thành viên của Liên minh châu Âu hay cơ hội hợp tác với các đối tác EU trong việc cải thiện chuyên môn, công nghệ, quản trị và năng lực cạnh tranh. 

Bên cạnh những cơ hội, EVFTA cũng tạo những áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong bối cảnh hội nhập.

Ngoài ra, yêu cầu của khách hàng với dịch vụ cũng sẽ ngày càng cao hơn và vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, thách thực về bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn trong giao dịch...cũng là những tác động gián tiếp từ EVFTA mà nền kinh tế phải đối mặt.

Quốc Thụy