|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

TCT Sông Đà xử lý kinh tế 3.094 tỷ đồng trước thềm IPO

15:40 | 16/07/2017
Chia sẻ
10 trên 11 vấn đề kinh tế sau thanh tra đã được Tổng công ty Sông Đà xử lý trước thềm cổ phần hóa, giá trị xử lý vốn gần như đạt 100% so với yêu cầu của Chính phủ. 

Tổng công ty sông Đà vừa có văn bản gửi bộ Xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện xử lý kinh tế 11 vấn đề sau thanh tra. Trong đó có 10 vấn đề đã được công ty giải quyết xong, còn một vấn đề đang được triển khai nốt.

Cụ thể, TCT Sông Đà đã thực hiện xử lý kinh tế với tổng số tiền 3.094 tỷ đồng, gần như hoàn thành toàn bộ số tiền mà Thanh tra Chính phủ kiến nghị, thiếu sót 194 triệu đồng.

tong song da thuc hien xu ly kinh te xong 3094 ty dong truoc them ipo

Trường hợp chiếm tỷ trọng vốn lớn nhất đã được xử lý là việc TCT Sông Đà thực hiện đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp vượt quá số vốn điều lệ 2.355 tỷ đồng.

Trước đó năm 2010, Sông Đà được Thủ tướng Chính phủ cho phép tham gia góp vốn điều lệ vào CTCP điện Việt Lào (để xây dựng dự án thủy điện Xekaman 1 và dự án thủy điện Xekaman 3) và CTCP thủy điện Nâm Chiến (xây dựng thủy điện Nậm Chiến) với tổng số tiền 4.260 tỷ đồng. Trong đó, công ty tiếp tục góp vốn điều lệ số tiền 1.945 tỷ đồng vào các công ty thủy điện nêu trên.

Tuy nhiên đến thời điểm 6/1/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vốn điều lệ của Tập đoàn Sông Đà lên 7.205 tỷ đồng, cao hơn 263 tỷ đồng so với mức đầu tư ra ngoài doanh nghiệp thời điểm 31/12/2010. Như vậy, vấn đề đầu tư ra ngoài vượt vốn điều lệ của Sông Đà đã được giải quyết xong.

Vấn đề đầu tư vào hai quỹ đầu tư mạo hiểm là Quỹ thành viên Vietcombank 3 và Quỹ đầu tư Việt Nam, công ty đã thu hồi về số tiền 209,5 tỷ đồng so với giá trị đầu tư 194,5 tỷ, như vậy Sông Đà đã bảo toàn được số vốn góp.

Về việc sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp chưa đúng mục đích 341 tỷ đồng, ngày 8/7/2016, Bộ Xây dựng đã có quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa TCT Sông Đà, trong đó xác định Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp đã nằm trong phần vốn Nhà nước khi xác định GTDN của Tổng Công ty Sông Đà.

Năm 2006, Sông Đà cũng từng ký hợp đồng chuyển nhượng dự án Nam An Khánh cho Sudico làm chủ đầu tư với giá trị 155 tỷ đồng, dự kiến 25% lợi nhuận sau thuế có được từ việc kinh doanh dự án. Số tiền 155 tỷ đồng là một khoản doanh thu của Sông Đà, sau khi trừ đi các chi phí và nghĩa vụ thuế đã được bổ sung vốn điều lệ cho công ty mẹ.

Ngoài ra các nội dung khác liên quan đến xử lý kinh tế bao gồm: giảm nguyên giá thiết bị dụng cụ quản lý không có cơ sở làm giảm giá trị vốn Nhà nước số tiền 200 triệu đồng; trích lập dự phòng phải thu khó đòi không đúng quy định số tiền 645 triệu đồng; bán cổ phần thép Việt Ý phê duyệt chi phí phát sinh ngoài hợp đồng 18,9 tỷ đồng; việc ban quản lý tòa nhà HH4 thanh toán chi phí khảo sát địa chất không có cơ sở 1,07 tỷ đồng hay việc khấu hao tại công trình hầm đường bộ qua Đèo Ngang 19,86 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước số tiền 7,54 tỷ đồng... Tất cả đã được TCT Sông Đà hoàn thành công tác xử lý.

Về vấn đề đang xử lý liên quan đến việc xây dựng bổ sung do thay đổi chi phí xây dựng của dự án, số tiền 194 triệu đồng. Ngày 24/5/2017, công ty đã có văn bản gửi thanh tra Chính phủ và Sở Xây dựng Hà Nội, Bộ Xây dựng đề nghị cung cấp thông tin về đơn vị thụ hưởng, mục, tiểu mục… để Sông Đà có thể chuyển tiền nộp phí xây dựng của dự án HH4 trong thời gian sớm nhất.

Mới đây, TCT Sông Đà cũng đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Theo quyết định của Thủ tướng, công ty sẽ có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu là 450 triệu đồng cổ phần, trong đó: Nhà nước nắm giữ 229,5 triệu cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019. Năm 2020. bán tiếp phần vốn nhà nước còn nắm giữ tại doanh nghiệp này xuống dưới 50% vốn điều lệ.

Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động là 822.000 cổ phần, chiếm 0,183% vốn điều lệ; 135 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 30% vốn điều lệ; 84,768 triệu cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 18,82% vốn điều lệ.

Bạch Mộc