Ngân hàng mẹ VPBank: Tăng trưởng tín dụng gần 31%, thu nhập từ phí tăng 64% trong năm 2022
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2022 với các điểm sáng về quy mô vốn, tăng trưởng huy động tiền gửi và lợi nhuận.
Kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng tăng 48% so với năm trước. Trong đó, tại ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 24.000 tỷ đồng. Các chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) lần lượt đạt 3,7%, 25,6% và 19,3%.
Thu nhập hoạt động (TOI) tại ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 40.000 tỷ đồng, với động lực đóng góp chính đến từ thu nhập phí tăng mạnh 64% so với năm 2021.
Sau các đợt tăng vốn lớn, vốn chủ sở hữu của VPBank đã chính thức cán mốc hơn 103.000 tỷ tại thời điểm cuối năm 2022. Vốn điều lệ của VPBank đạt hơn 67.000 tỷ, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Giá trị vốn hóa của ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2022 đã tăng lên 120.000 tỷ, là ngân hàng tư nhân có mức vốn hóa lớn nhất hệ thống.
Trong năm 2022, huy động từ tiền gửi khách hàng tại ngân hàng riêng lẻ tăng gần 30% so với cuối năm 2021, đóng góp lớn từ khối khách hàng cá nhân (RB) và khối khách hàng SME (tăng 43%). Ngân hàng cũng huy động thành công hơn 1 tỷ USD từ các tổ chức tài chính toàn cầu. Tỷ lệ an toàn vốn CAR hợp nhất theo Basel II đạt gần 15%.
Ngân hàng cho biết nhờ các nỗ lực gia cố nền tảng vốn và tăng cường huy động, VPBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng gần 31% tại ngân hàng mẹ.