'Tăng trưởng GDP quý II chưa thể bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn so với quý I'
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo kinh tế quý I năm 2023, theo đó tăng trưởng GDP quý I đạt 3,32%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Việc tăng trưởng GDP quý I thấp không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Trước khi báo cáo quý đầu năm được công bố, nhiều chuyên gia dự báo kinh tế quý I sẽ tăng trưởng thấp.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam, năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ mất đi hai động lực là xuất khẩu và sản xuất công nghiệp, đặc biệt sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo nên tăng trưởng cả năm sẽ thấp. Ông dự báo con số tăng trưởng trong năm nay ở mức 5,5% và tăng trưởng trong quý I sẽ rất thấp, quý II vẫn tiếp tục thấp dù có sự cải thiện.
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng quý I và quý II năm nay, chỉ số vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khá tiêu cực do đây là giai đoạn thẩm thấu của đợt tăng lãi suất năm ngoái, quý III và quý IV sẽ là một bức tranh tươi sáng hơn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5%, quý I và quý II cần phải đạt được mức tăng lần lượt là 5,6% và 6,7%.
Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế cả nước quý I/2023 chỉ ước đạt 3,32%, không đạt mức tăng đề ra. Theo bà Hương, nguyên nhân chủ yếu do các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo sụt giảm; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày cũng giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.
Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường tăng thấp trong quý I, gia tăng dần ở quý II sau đó bứt phá ở nửa cuối năm. Năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đi theo xu hướng này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý II tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn so với quý I.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, kinh tế vẫn sẽ có một "cánh cửa hẹp" để đi qua nếu giải ngân được ít nhất 90% vốn đầu tư công. Trong khi các động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, sản xuất công nghiệp đã yếu đi rất nhiều, đầu tư công sẽ bù đắp cho tăng trưởng chung toàn nền kinh tế.
"Năm 2023, ngân sách có ít nhất 31 tỷ USD dành cho đầu tư công và 90% trong số đó đã được giao chỉ tiêu cho các bộ ngành, địa phương. Nếu chi được 90% của 31 tỷ USD thì sẽ bù đắp được việc xuất nhập khẩu tăng chậm”, ông nói.
Ngoài ra, có một tín hiệu tích cực khác nữa nếu như hoạt động dịch vụ và sức mua của thị trường nội địa vẫn tiếp tục đà phục hồi. Sự phục hồi chắc chắn sẽ tiếp tục ở khu vực dịch vụ, đặc biệt là khi sắp tới sẽ có thêm tác động từ khách du lịch Trung Quốc.