|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng phí BOT tiếp tục đẩy chi phí logistics tăng cao

07:09 | 15/05/2020
Chia sẻ
Việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất Chính phủ cho tăng phí BOT là bất hợp lí đi ngược lại với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp trong ...
Tăng phí BOT tiếp tục đẩy chi phí logistics tăng cao - Ảnh 1.

Doanh nghiệp cho rằng việc tăng phí BOT trong bối cảnh doanh nghiệp đang "kiệt quệ" vì dich Covid-19 là không hợp lý - Ảnh: Lê Anh

Sau khi Bộ GTVT chính thức đề xuất Chính phủ cho tăng phí BOT, trao đổi với TBKTSG Online chiều 14-5, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, trong lúc này bất kỳ tăng chi phí nào đều bất hợp lý và đi ngược lại chủ trương chung của Chính phủ là hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch. Do đó, hiệp hội không đồng tình việc tăng phí BOT.

Chủ tịch VLA cho biết, chi phí BOT hiện chiếm rất cao trong tổng chi phí vận tải (tùy theo tuyến) có những tuyến quan trọng thì chi phí BOT gần như tương đương chi phí nhiên liệu tức khoảng 20%.

"Không kể đến tác động của Covid-19 thì chi phí logistics của Việt Nam cũng đã cao và chúng tôi đang thực hiện yêu cầu của xã hội và Nhà nước là phải kéo giảm chi phí logistics của Việt Nam xuống tương đương trong khu vực (tức là tương đương 14-15% GDP). Tuy nhiên, với phí BOT thế này thì rất khó làm giảm chi phí logistics khi chi phí vận tải nói chung chiếm khoảng 50% trong tổng chi phí logistics", ông Hiệp phân tích.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp vận tải hiện nay đang rất khó khăn do dịch Covid-19. Nhiều tháng nay, doanh nghiệp vận tải chỉ hoạt động cầm chừng với tần suất chỉ 30-50% so với trước dịch Covid-19.

Hiện nay, doanh nghiệp vận tải mới chỉ bắt đầu hoạt động trở lại sau dịch, lượng hành khách và hàng hóa rất ít.

Đối với doanh nghiệp BOT, ông Quyền cho rằng áp lực của việc phải đảm bảo phương án tài chính, các cam kết đã ký trong hợp đồng BOT cũng rất lớn.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trong thời điểm hiện tại tất cả các ngành kinh tế đều gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì thế, các bộ ngành cần tiếp tục nghiên cứu và xem xét việc tăng phí BOT.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trương Thị Diễm Phước, Giám đốc kinh doanh Công ty đầu tư VCAC, cho biết trước khi tăng phí, Bộ GTVT và các nhà đầu tư cần làm nghiên cứu thật kỹ việc tác động của việc tăng phí này đến ngành vận tải trong dài hạn chứ không nên tăng đột ngột.

Khi có nghiên cứu sẽ cho thấy các ngành hàng nào bị tác động ra sao rồi đưa ra các giải pháp đi kèm để đảm bảo không tác động nhiều đến cước vận tải và giá cả hàng hóa.

“Nhiều chuyên gia lo ngại việc tăng phí BOT khiến giá vận tải leo thang, điều đó đúng. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rõ thời gian qua, giá xăng dầu giảm đến hơn 40% nhưng cước vận tải và các hàng hóa bán ra cũng không hề giảm” bà cho biết.

Mới đây, Bộ GTVT gửi văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư dự án BOT do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bằng việc tăng phí BOT.

Có 2 phương án được Bộ GTVT kiến nghị.

Phương án 1: Cho phép tăng phí sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án. Giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải.

Phương án 2: Giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Đồng thời, Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký.

Sau khi phân tích 2 phương án, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án 1 vì có nhiều ưu điểm hơn và không phải bố trí ngân sách nhà nước để trả cho nhà đầu tư.

Lê Anh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.