|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng lãi suất sẽ giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững hơn giữa lúc bất ổn toàn cầu gia tăng

14:32 | 07/11/2022
Chia sẻ
Chuyên gia cho rằng việc tăng lãi suất đóng góp đáng kể cho việc ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững hơn trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng

Trong báo cáo vĩ mô mới nhất, CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng việc tăng lãi suất sẽ giúp ổn định tỷ giá hối đoái; tốc độ tăng tiền gửi ngân hàng sẽ tăng nhanh hơn so tốc độ tăng trưởng tín dụng; và giúp lạm phát được kiểm soát ở mức 4,5.

Các chuyên gia tại đây cho rằng cả ba điều này đóng góp đáng kể cho việc ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững hơn trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng.  

 

 

 

 

Đầu tháng 11, lãi suất của Fed đã tăng tiếp 75 điểm cơ bản (lần thứ 4 liên tiếp) lên mức 3,75–4%, nếu kỳ họp ngày 15/12 sắp tới (theo giờ Việt Nam), lãi suất Fed tiếp tục tăng thêm 50 điểm cơ bản thì sẽ đẩy mức tăng tổng cộng trong cả năm 2022 lên 4,25 điểm %.

Trong bối cảnh đó, áp lực tăng lãi suất của NHNN đã gia tăng đáng kể trong tháng 10 để đối phó với lạm phát và tỷ giá USD/VND tăng mạnh. Do đó, NHNN đã nâng lãi suất tái cấp vốn lên 6% (bằng mức trước dịch COVID-19) sau hai lần tăng liên tiếp (mỗi lần tăng 100 điểm cơ bản) vào ngày 23/9 và 25/10.

 

 

 

 

 

 

 

 

Tính đến cuối tháng 10, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 4,1% so với tháng trước và 8,8% so với đầu năm. Từ ngày 17/10, NHNN đã nới biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ ± 3% lên ± 5%.

Khối phân tích nhận định tỷ giá USD/VND đã tăng vọt gần đây do Fed tăng lãi suất và đồng đô la Mỹ mạnh. Một nguyên nhân khác nữa là xuất khẩu gần đây chậm lại, đặc biệt khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang đối mặt với suy thoái.

Trong bối cảnh USD tăng mạnh (với chỉ số USD tăng 16,6% từ đầu năm đến nay), VND có mức độ mất giá ít hơn so với sự mất giá của các đồng tiền châu Á khác, do Việt Nam đã bán USD từ dự trữ ngoại hối.

Mặc dù vậy, Mirae Asset cho rằng tình hình vẫn có thể xấu đi khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống còn khoảng 3 tháng nhập khẩu (tính đến cuối tháng 8, dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn 92 tỷ USD). 

Trong báo cáo mới đây, SSI Research cho biết về tăng trưởng tín dụng, số liệu mới cập nhật từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 20/10, và so với cuối năm 2021, tín dụng tăng 11,38%, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 3,09% và huy động vốn tăng 4,8%.

Như vậy, chênh lệch huy động – tín dụng vốn đã rơi vào trạng thái âm kể từ tháng 7 và phần nào có sự cải thiện nhẹ, sau khi mặt bằng lãi suất huy động đã tăng mạnh trong hai tháng qua.

Trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ tháng 10, NHNN cũng cho biết diễn biến huy động vốn và tín dụng trong năm 2022 đã đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng, gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Do vậy, việc NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10 là phù hợp nhằm bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản, và có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Dự báo về các đợt tăng lãi suất tiếp theo, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây cho rằng nhiều khả năng NHNN sẽ điều chỉnh tăng thêm lãi suất điều hành ít nhất 0,5-1 điểm % trong quý IV/2022 đến quý I/2023.  

Trong khi đó, Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) cho rằng do Fed có thể tăng lãi suất điều hành thêm 125 điểm cơ bản nữa trong hai tháng cuối 2022, nên NHNN có thể sẽ phải tăng lãi suất thêm 0,5-1 điểm % nữa để bảo vệ đồng VND.

Hồng Hà