|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sức nóng cạnh tranh thương mại điện tử Đông Nam Á được tiếp lửa từ Big Tech Trung Quốc

08:15 | 08/02/2024
Chia sẻ
Thương mại điện tử là lĩnh vực hiếm hoi được Big Tech Trung Quốc xuống tiền đầu tư trong một năm việc mở rộng quy mô gần như bị đóng băng.

Năm ngoái, tổng số giao dịch đầu tư của Alibaba, Tencent và Baidu giảm gần 40%, xuống còn 102, trong đó Tencent là công ty cắt giảm mạnh nhất, theo tờ South China Morning Post.

Theo dữ liệu của ITJuzi, gã khổng lồ về mạng xã hội và trò chơi điện tử Tencnet đã ký kết 39 hợp đồng đầu tư với 37 công ty vào năm 2023, giảm mạnh so với con số 95 và 299 giao dịch đã thực hiện lần lượt vào năm 2022 và 2021.

Baidu, công ty chuyên về tìm kiếm web và trí tuệ nhân tạo (AI), đã tham gia vào 24 giao dịch đầu tư trong năm ngoái, giảm so với 52 giao dịch vào năm 2021. Tập đoàn Alibaba đã đầu tư vào 39 thương vụ, giảm so với 91 thương vụ vào năm 2021.

Năm 2021 là một năm bước ngoặt đối với các công ty internet Trung Quốc, khi Bắc Kinh bắt đầu chiến dịch kiểm soát "sự mở rộng vốn bất hợp lý". Giữa một loạt động thái siết chặt quy định, các Big tech của Trung Quốc - những công ty có quy mô thị trường từng ngang hàng với các đối thủ Mỹ, gần như ngừng mở rộng.

Các khoản đầu tư của Tencent vào năm ngoái chủ yếu liên quan đến dịch vụ doanh nghiệp, chăm sóc sức khỏe và trò chơi điện tử. Các công ty sản xuất tiên tiến là lựa chọn hàng đầu của Alibaba, với 8 thương vụ liên quan được thực hiện bởi ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc.

Alibaba đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm vừa qua, từ rối ren ở thượng tầng quản lý cho tới sức nóng mà đối thủ PDD phả ra tại Trung Quốc. (Ảnh: AP Photo).

Dù gặp khó trong việc cạnh tranh ở Trung Quốc và bị đối thủ PDD Holdings vượt mặt, Alibaba vẫn thực hiện 4 thương vụ đầu tư trong lĩnh vực thương mại điện tử, ba trong số đó nằm ngoài Trung Quốc.

Dường như khó khăn trong nước cùng những rối ren tại thượng tầng lãnh đạo ở Alibaba đã ảnh hưởng tới các khoản đầu tư bên ngoài Trung Quốc của họ. Dù vừa "bơm" thêm hơn 640 triệu USD cho Lazada trong cuộc chiến thương mại điện ở Đông Nam Á nhưng những động thái gần đây của sàn từng giữ vị trí số một khu vực này lại đang khó tả hơn bao giờ hết.

Đầu năm 2024, Lazada cắt giảm 30% nhân lực tại 6 thị trường, đợt sa thải này ảnh hưởng tới toàn bộ vị trí, bất kể là nhân viên hay cấp lãnh đạo cấp cao.

Kể từ năm 2017, Alibaba đã bơm 7,4 tỷ USD vào Lazada để thống lĩnh thị trường Đông Nam Á nhưng mặc cho những thành tựu ban đầu, gã khổng lồ này đã thất bại, nhường chỗ cho Shopee thuộc sở hữu của Sea và đang bị đe doạ bởi sự trỗi dậy TikTok Shop thuộc ByteDance.

Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh là ByteDance, chủ sở hữu TikTok, đã thực hiện 5 thương vụ đầu tư bên ngoài Trung Quốc vào năm 2023, trong khi nhà điều hành nền tảng mua sắm trực tuyến JD.com chỉ đầu tư cho hai thương vụ.

Thương vụ lớn nhất của ByteDance trong năm ngoái là khoản đầu tư 1,5 tỷ USD vào Tokopedia, công ty thương mại điện tử lớn nhất Indonesia, cho phép TikTok khởi động lại hoạt động kinh doanh mua sắm trực tuyến tại quốc gia vạn đảo sau khi TikTok Shop bị cấm hoạt động.

Theo đó, TikTok sẽ mua lại 75,01% hoạt động kinh doanh Tokopedia của GoTo. Các hoạt động kinh doanh của Tokopedia và TikTok Shop ở Indonesia cũng sẽ được hợp nhất thành thực thể Tokopedia hiện có, với các tính năng mua sắm trong ứng dụng TikTok ở Indonesia sẽ được vận hành và duy trì bởi thực thể vừa thành lập này.

Giới phân tích cho rằng thông qua cái bắt tay với TikTok, GoTo muốn cắt giảm gánh nặng trong cuộc chơi thương mại điện tử và dồn lực nhiều cho mảng gọi xe và giao hàng nhằm hướng tới mục tiêu có lợi nhuận. Việc tích hợp TikTok Shop vào Tokopedia sẽ cho phép ứng dụng này tiếp tục hoạt động ở Indonesia. 

Trái ngược với các công ty internet, nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi nổi lên là nhà đầu tư hàng đầu theo số lượng giao dịch, với 82 khoản được thực hiện trong năm.

Hãng thiết bị điện tử này cũng đã mắt chiếc xe điện đầu tiên vào tháng 12/2023, mẫu xe điện Xiaomi SU7, được thiết kế để cạnh tranh với Tesla và Porsche tại Trung Quốc. Cũng trong tháng đó, Xiaomi đã đầu tư vào 3 startup trong lĩnh vực xe và vận tải.

AI là một lĩnh vực đầu tư yêu thích khác của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vào năm ngoái, khi họ đua nhau xây dựng và thúc đẩy các công cụ đối trọng với ChatGPT của OpenAI.

Tencent và Alibaba mỗi bên đã hậu thuẫn cho 7 và 4 startup AI đang phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) - công nghệ nền tảng cho các chatbot như ChatGPT, có khả năng hiểu các câu hỏi phức tạp và đưa ra phản hồi giống con người.

Năm ngoái, Viện nghiên cứu nội bộ Damo Academy của Alibaba cũng thành lập một phòng nghiên cứu và tuyển dụng hơn 100 ứng viên nghiên cứu trình độ sau tiến sĩ làm việc trong các lĩnh vực mũi nhọn như AI và bán dẫn. 

Thành Vũ

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.