|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Sức ép từ ‘cuộc đua’ hạ tầng: Hà Nội khổ sở với điệp khúc tắc, ngập

04:38 | 03/06/2022
Chia sẻ
Việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ, nhất là khi tốc độ phát triển hạ tầng nhà ở quá nhanh, đã khiến rất nhiều tuyến phố Hà Nội luôn trong tình “quá sức chịu tải” với cảnh tắc đường, ngập úng.

Đường Lê Văn Lương giao nhau với đường Nguyễn Tuân, Hoàng Văn Giám luôn trong tình trạng tắc kín đường vào các giờ cao điểm. (Ảnh: HV/VietnamPlus).

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc liên tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch, giảm diện tích công cộng của công viên cây xanh, ao hồ… để nhường quỹ đất cho “cuộc đua” phát triển đường-nhà, là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tắc đường, úng ngập ở Hà Nội ngày càng trầm trọng.

Nhà “mọc” nhanh, đường quá sức chịu tải

Những ngày qua, tình trạng “đường phố biến thành sông” đã trở thành cơn ác mộng với người dân ở Hà Nội. Như điệp khúc buồn, mỗi khi mưa lớn xảy ra, nhiều tuyến đường lại bị ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống, gây thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế - khi đã có hàng ngàn lượt ô tô, xe máy bị hỏng hóc do ngập nước.

Bên cạnh những ảnh hưởng nhãn tiền nói trên, rõ ràng việc “Hà Nội cứ mưa là ngập” cũng đã và đang làm xấu xí đi rất nhiều hình ảnh về một Thủ đô xanh, văn minh, hiện đại, là trung tâm về chính trị, kinh tế của cả nước.

Nhận định về nguyên nhân dẫn tới thực trạng đáng buồn trên, phần lớn chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc đều chia sẻ quan điểm cho rằng nguồn cơn đến từ việc thời gian qua, quy hoạch của Hà Nội điều chỉnh cục bộ, tăng bê tông, giảm diện tích công cộng của công viên cây xanh, ao hồ…

Theo báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị (2013-2018), có tới 1.390 điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần, có dự án tới 9 lần… Đây cũng là thực trạng đáng báo động trong nhiều năm nay.

Cũng bởi “tùy tiện” trong điều chỉnh quy hoạch cục bộ trên, nhất là khi tốc độ phát triển hạ tầng nhà ở quá nhanh, mật độ dày đặc, đã khiến rất nhiều tuyến phố ở Hà Nội luôn trong tình “quá sức chịu tải” với cảnh tắc đường, khiến người dân khốn khổ.

Đơn cử như đường Lê Văn Lương từ cầu vượt Láng Hạ đến ngã tư giao với đường Khuất Duy Tiến chỉ dài khoảng 2km nhưng đang rất “đau khổ” khi phải “cõng” khoảng 40 tòa cao ốc chung cư, văn phòng. Chưa kể, ven con đường này đang còn một số lô đất được quy hoạch là nhà cao tầng nhưng đến nay chưa xây dựng.

Tắc đường từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người dân Hà Nội. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Giáp với Lê Văn Lương là “con đường đau khổ” Nguyễn Tuân, chỉ dài khoảng 1km, rộng 6-7m, nhưng nhiều năm nay cũng đang phải “gánh” tới hơn 20 toà chung cư cao tầng. Đường Nguyễn Huy Tưởng dài chưa đến 1km, rộng chỉ 5-6 m (giao với đường Nguyễn Tuân) cũng gồng mình với hơn 10 tòa nhà chung cư...

Ngay như tuyến đường vành đai 2,5 của Hà Nội chạy qua nhiều quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ,… đến nay chưa thông toàn tuyến do có nhiều đoạn chưa thi công, nhưng cũng đã chi chít dự án nhà cao tầng.

Không chỉ tắc đường, nhiều tuyến phố còn bị úng ngập nặng nề, thậm chí “đường biến thành sông” mỗi khi trời mưa, như: Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt, Dương Đình Nghệ, Nguyễn Gia Thiều, Triều Khúc, Cao Bá Quát, Phùng Hưng, Nguyễn Tuân…

Thiết kế đô thị cần đảm bảo “huyết mạch”

Nhìn nhận thực tế trên, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng việc phát triển "đô thị nén" như khu vực trung tâm Hà Nội trong thời gian qua chỉ giải quyết được vấn đề chỗ ở nhưng lại ùn tắc, thiếu không gian xanh.

Do vậy, ông Tùng kiến nghị Hà Nội cần xem xét chấm dứt các quy hoạch, dự án nhà cao tầng trong nội đô. Với những khu vực mới phát triển, thành phố cũng nên cân nhắc hạn chế chất tải cao tầng để rút kinh nghiệm, tránh quá tải như khu trung tâm.

Giáo sư, tiến sỹ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng tại khu vực nội đô Hà Nội, nếu không có giải pháp mới sẽ khó tránh được lụt lội mỗi khi mưa to do phần lớn diện tích đã bị bê tông hóa.

Vì thế, ông Hồng cho rằng "đã đến lúc cơ quan chức năng cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề chống ngập lụt cho Hà Nội, không thể để điệp khúc cứ mưa là ngập phố tái diễn mãi, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của người dân."

Điểm ngập ở ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: TTXVN phát)

Ông Hồng đề xuất trước mắt, ngoài giải pháp duy trì chống ngập theo phương pháp “nước tự chảy,” Hà Nội cũng cần đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các trạm bơm thoát nước ven các sông Tô Lịch, Kim Ngưu để rút quãng đường tập trung nước, tạo thành nhiều điểm cuối thoát nước tiêu úng nhanh hơn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà khuyến cáo Hà Nội nên có dự án tổng thể để chống ngập trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng theo hướng thoát nước tự nhiên, còn bơm nước khi ngập chỉ là giải pháp tình thế.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Hà Nội cũng cần phải tính toán trong quá trình thiết kế các đô thị để tạo ra hệ thống thoát nước, đảm đương được huyết mạch của đô thị; phải xây dựng được các đô thị có khả năng chống chịu một cách thông minh.

Trong khi đó, tiến sỹ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, cho rằng để giải quyết thực trạng điều chỉnh quy hoạch cục bộ một cách tràn lan, cần đề cao hơn nữa vai trò giám sát, tham gia đóng góp của cộng đồng.

“Tôi cho rằng muốn điều chỉnh quy hoạch thì trước hết phải hỏi cộng đồng dân cư khu vực bị ảnh hưởng và các chuyên gia chuyên ngành xem ý kiến thế nào để thống nhất. Sau đó, phải công bố nội dung điều chỉnh quy hoạch để cộng đồng, các tổ chức giám sát theo dõi. Đây là việc cần thiết,” ông Nghiêm nêu quan điểm./.

Hà Nội là thành phố “tụ thủy, tụ nhân" với rất nhiều ao hồ, sông và không gian mặt nước. Thế nhưng, sự phát triển của Thủ đô đã kéo theo nhiều ao hồ bị san lấp, nhường chỗ cho các dự án. Nhiều ao hồ giờ chỉ còn là tên gọi trong tiềm thức của một số khu dân cư.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chỉ tính riêng giai đoạn 2010-2015, Hà Nội đã có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Trong đó, quận Đống Đa mất 4 hồ; quận Hai Bà Trưng mất 3 hồ; quận Cầu Giấy mất 8 hồ, quận Tây Hồ mất đi 2 hồ...

Hùng Võ