|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sức chống chịu của doanh nghiệp không đều

09:55 | 04/11/2018
Chia sẻ
Số doanh nghiệp quy mô vừa và lớn thành lập mới đang có xu hướng tăng là tín hiệu tích cực. Nhưng, đi cùng với đó là những doanh nghiệp quy mô lớn ngừng hoạt động. Sức chống chịu của doanh nghiệp với cơ hội và thách thức của nền kinh tế không đồng đều.
suc chong chiu cua doanh nghiep khong deu Các doanh nghiệp Việt vẫn còn 'khiêm tốn' về điểm số quản trị công ty

Doanh nghiệp tin vào các cải thiện

Số liệu doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2018 đang có những tín hiệu khả quan về quy mô doanh nghiệp.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất là ở nhóm quy mô vốn từ 50-100 tỷ đồng (31,9% so với cùng kỳ năm 2017). Nhóm doanh nghiệp lớn có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng có tỷ lệ tăng tương đối đáng kể là 15%, rất ấn tượng so với tỷ lệ 2,7% của doanh nghiệp nhỏ.

suc chong chiu cua doanh nghiep khong deu

Doanh nghiệp có số vốn đăng ký lớn nhất rơi vào ngành kinh doanh bất động sản (332.354 tỷ đồng, chiếm 29,8% trên tổng số vốn đăng ký); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (173.783 tỷ đồng, chiếm 15,6%); Xây dựng (148.344 tỷ đồng, chiếm 13,3%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (129.766 tỷ đồng, chiếm 11,6%).

Trao đổi về các con số này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cho rằng, đây có thể là kết quả của việc Chính phủ đã xây dựng được và triển khai rất kiên định chương trình hành động về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp.

“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ có một chương trình như vậy cho cả nhiệm kỳ”, ông Lộc nói.

Cộng với các tin tốt về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và đặc biệt là thời điểm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực gần như được xác định vào đầu năm 2019, ông Lộc cho rằng, các doanh nghiệp đang chuẩn bị chiến lược kinh doanh để bắt tay vào việc ngay.

“Niềm tin và những động lực mới của cải cách đang khơi dậy các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Điều này lý giải số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh vào thời điểm này”, ông Lộc nói.

Chưa lường hết khó khăn

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) thẳng thắn, cơ hội kinh tế và sức chống chịu không đều đã ảnh hưởng đáng kể đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

“Khi phân tích tình hình kinh tế 3 quý vừa qua, chúng tôi ghi nhận một số doanh nghiệp tư nhân lớn tích cực hơn với các hoạt động đầu tư ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ quan trọng (ví dụ như ô tô, hàng không...). Có vẻ doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam khá nhanh nhạy trong việc nắm bắt cơ hội trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và chủ động đầu tư cho sản xuất – xuất khẩu, thể hiện trong tỷ trọng xuất khẩu của khu vực trong nước tăng cao”, ông Dương nói.

Nhưng, sự không đồng đều đang thể hiện rõ. Trong 10 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 24.467 doanh nghiệp, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2017. Nếu tính doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong 10 tháng qua, con số là 53.937 doanh nghiệp, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm trước...

Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng có tỷ lệ tăng cao nhất (96,8%) về số lượng doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn. Tỷ lệ tăng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể của nhóm này cũng ở mức cao, (lần lượt là 71,9% và 30,2%)..

“Tương tự như các quý trước, các yếu tố có ảnh hưởng nhất đến sản xuất kinh doanh vẫn là khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước (59,6%), nhu cầu thị trường trong nước thấp (45,1%) và khó khăn về tài chính (31,9%). Đây không còn là các vấn đề của riêng doanh nghiệp nữa, mà cần các giải pháp chính sách”, ông Dương chia sẻ quan điểm.

Đó là lý do mà khi gửi kiến nghị chính sách cho kinh tế quý IV/2018, CIEM vẫn nhắc tới yêu cầu đổi mới, cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh.

“Chúng tôi đề nghị đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh phát triển về chất lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới. Đặc biệt, đang có lo ngại về việc “mượn cớ” tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, ứng phó với các diễn biến bất lợi trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc... để giảm đà, thậm chí trì hoãn cải cách môi trường kinh doanh”, ông Dương thẳng thắn.

Rõ ràng, sức chống chịu của doanh nghiệp với những diễn biến khá bất định của kinh tế vẫn phụ thuộc vào kết quả từ các kế hoạch cải cách của Chính phủ.

Xem thêm

Khánh An